Nguyện học tập, phấn đấu theo gương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

08:09, 06/09/2017

Đồng chí Lê Hồng Phong là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tấm gương sáng về khí tiết cách mạng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

 Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh kiên cường trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngay từ nhỏ, đồng chí đã tận mắt chứng kiến cuộc sống vô cùng cực khổ của nhân dân ta dưới ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân. Chứng kiến những cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, đồng chí đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng cứu nước.

Đồng chí sớm tham gia cách mạng, được học tập và rèn luyện trong nhiều trường học lý luận và quân sự của cách mạng Trung Quốc, của quốc tế cộng sản. Đặc biệt từ giữa những năm 20 của thế kỷ trước, đồng chí được học tập và tham gia lớp huấn luyện chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người dìu dắt và giao thực thi nhiều nhiệm vụ quan trọng của cách mạng. Đó là những nhân tố quan trọng góp phần hình thành bản lĩnh cách mạng và phẩm chất đạo đức của người cộng sản kiên cường.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902- 1942 ). Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902- 1942 ). Ảnh tư liệu

Vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi cả đất nước chìm trong làn sóng khủng bố trắng của địch, tưởng chừng không vượt qua nổi, đồng chí Lê Hồng Phong là người chủ trì công việc của Đảng đã cùng với Trung ương tiến hành một loạt công tác tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo nhằm khôi phục Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, nuôi niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng. Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn được hai phẩm chất cao quý trong công tác là vừa chỉ đạo ở tầm chiến lược, tổng quát; vừa chỉ đạo ở tầm cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Sau khi khôi phục được phong trào cách mạng, đồng chí đã góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị những tiền đề tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc hình thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Đồng chí đã có công lớn trong việc chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng.

Có được sự trưởng thành như vậy phần quan trọng là do đồng chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục, đào tạo, rèn luyện và thường xuyên chỉ đạo. Từ một thanh niên yêu nước đi tìm đường cách mạng, đồng chí đã sớm gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đến với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đồng chí đã trở thành học trò ưu tú của Người.

Ở Lê Hồng Phong, một trong những phẩm chất nổi bật là tấm gương học tập và rèn luyện. Không được học tập đầy đủ khi tuổi còn niên thiếu, lớn lên đi hoạt động cách mạng, đồng chí càng khao khát trau dồi kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện, ở mọi lúc, mọi nơi để học tập. Trong thời gian ở Trung Quốc và Liên Xô, đồng chí đã trải qua nhiều trường, nhiều lớp; có khi lớp học cũ chưa xong, hoàn cảnh bắt buộc phải chuyển sang lớp học mới; học quân sự, học chính trị, học lý luận… Có thể nói, trong số những người hoạt động cách mạng lúc bấy giờ, đồng chí là người được trang bị nhiều kiến thức nhất ở nhà trường. Điều đó giúp đồng chí rất nhiều trong công tác, nhất là phải chủ trì công việc của Đảng.

Đồng chí gắn việc học tập với hoạt động cách mạng, rèn luyện trong tổ chức và chỉ đạo thực tiễn. Việc chắp nối, liên lạc để khôi phục các tổ chức cơ sở Đảng ở trong nước và chủ trương đưa địa bàn hoạt động về trong nước thay vì chỉ đạo từ xa đã nói lên điều đó. Lê Hồng Phong là một tấm gương mẫu mực trong việc kết hợp học và hành, lý luận và thực tiễn.

Đồng chí còn là một nhà hoạt động quốc tế nhiệt thành. Ở đồng chí, lòng yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân, cách mạng Việt Nam kết hợp với cách mạng các nước trên thế giới. Đồng chí tìm thấy ở các nước bè bạn một địa bàn hoạt động khi điều kiện trong nước còn khó khăn, một môi trường học tập rèn luyện thuận lợi, một nơi cùng phối hợp, liên kết, ủng hộ lẫn nhau trong hoạt động cách mạng. Chính nhờ mối liên hệ quốc tế mà nhãn quan và tầm hiểu biết của đồng chí rộng rãi và sâu sắc hơn, giúp giải quyết có hiệu quả hơn những nhiệm vụ cách mạng của nước ta đặt ra thời kỳ đó. Trong những năm học tập tại Trung Quốc và Liên Xô, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau này, trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí càng có điều kiện để cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta gắn kết phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, giúp phong trào cộng sản quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 20-1-1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn, cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết đồng chí là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù.

Cảm động biết bao, trưa ngày 6-9-1942, trong những phút giây cuối cùng trước khi oanh liệt hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhờ các đồng chí thân thương của mình đang bị giam tại Nhà tù Côn Đảo chuyển tới Đảng lời nhắn sắt son “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, cho đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Đẹp hơn cả bia đá, tượng đồng, những dòng hồi ký quý giá và những lời nhắn gửi thiết tha đó đã in đậm trong tâm trí bao thế hệ người Việt Nam về người cộng sản tràn đầy khí phách và bất khuất, kiên cường Lê Hồng Phong.

Gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, đồng chí luôn luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của đồng chí luôn luôn dành cho Đảng và nhân dân. Vì Đảng, vì dân, đồng chí chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, từ biệt gia đình đi làm cách mạng. Và cũng vì Đảng, vì dân, đồng chí đã hy sinh cả tình riêng, cả bản thân mình. Người đồng chí, người bạn đời yêu dấu của đồng chí - chị Nguyễn Thị Minh Khai, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1939-1940) cũng bị địch bắt và kết án tử hình năm 1941.

Những năm tháng bí mật hoạt động cách mạng tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai mãi mãi để lại muôn vàn tình thân yêu trong lòng đồng chí và đồng bào. Mặc dù hơn 75 năm đã trôi qua, nhưng cho đến nay những gia đình chí cốt với cách mạng tại vùng Mười tám thôn Vườn Trầu vẫn còn giữ mãi trong lòng những hoài niệm không thể phai mờ về hình ảnh thân thương của vợ chồng chị Năm Bắc. “Chị Năm Bắc” - là tên gọi thân mật của bà con nông dân nơi địa phương sở tại đặt cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim, khối óc các thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh và 75 năm ngày mất của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chúng ta bồi hồi và xúc động ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí để học tập, phấn đấu theo gương của đồng chí. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Học tập và noi gương đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái chính trị - tư tưởng, đạo đức lối sống, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, bè phái cục bộ và mọi biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm kỷ luật của Đảng; phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, trước mắt là đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa sự nghiệp vĩ đại của Đảng ta, của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com