Phấn đấu xây dựng huyện Mỹ Lộc phát triển toàn diện, bền vững

08:03, 28/03/2017
Những ngày này, cán bộ và nhân dân ở khắp các địa phương của huyện Mỹ Lộc đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện (1-4-1997 - 1-4-2017). Qua 20 năm tái lập, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 
Xã nông thôn mới Mỹ Tân.
Xã nông thôn mới Mỹ Tân.
Ngược dòng lịch sử, huyện Mỹ Lộc xưa là lỵ sở của tỉnh Nam Định. Đầu thế kỷ XX, huyện có 10 tổng. Sau Cách mạng Tháng Tám, Mỹ Lộc gồm 20 xã. Qua nhiều lần điều chỉnh địa giới, ngày 13-6-1967 Chính phủ ra Quyết định số 76/CP, sáp nhập toàn bộ huyện Mỹ Lộc vào Thành phố Nam Định. Sau 30 năm, thực hiện Nghị định số 19-NĐ/CP và Nghị định số 95-NĐ/CP của Chính phủ, huyện Mỹ Lộc được tái lập từ ngày 1-4-1997. Những năm đầu tái lập, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế chậm phát triển, CN-TTCN chủ yếu nhỏ lẻ, theo hướng gia đình. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thấp. Hệ thống điện, đường, trường, trạm chưa có điều kiện để đầu tư xây dựng… Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã nỗ lực cố gắng, vượt qua những khó khăn ban đầu để đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua 20 năm, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn đã phát triển mạnh với nhiều doanh nghiệp và 2.306 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các sản phẩm chủ lực là hàng may mặc, chăn ga gối đệm, tấm lợp, vật liệu xây dựng, đồ mộc gia dụng, nhựa, lương thực thực phẩm đã qua chế biến… Giai đoạn 2010-2015, giá trị sản xuất tăng bình quân 13,4% (giai đoạn 1997-2000 đạt 6%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Đến nay, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 21% (năm 1997 là 75,3%), công nghiệp, xây dựng chiếm 50% (năm 1997 là 10,4%), dịch vụ 29% (năm 1997 là 14,3%). Từ năm 1997 đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại. Nhiều công trình được xây mới như: Trụ sở huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Bệnh viện đa khoa huyện… Trụ sở các xã, trạm y tế xã, NVH thôn, xóm ở nhiều địa phương được xây dựng, sửa chữa đáp ứng tiêu chí NTM. Toàn huyện hiện có 33/34 trường học cao tầng kiên cố. Triển khai, mở rộng dự án cung cấp nước sạch cho nhân dân bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đóng góp. Bên cạnh đó, dự án xây dựng khu đô thị Thị trấn Mỹ Lộc với diện tích 9,9ha đang được thực hiện. Huyện cũng đã thực hiện triển khai điều chỉnh quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng chợ đầu mối tại xã Mỹ Tân, CCN xã Mỹ Thắng; tạo điều kiện để các nhà đầu tư vào KCN Mỹ Thuận, Mỹ Trung và phân khu dịch vụ - thương mại hai bên đại lộ Thiên Trường. Xác định vai trò quan trọng của hệ thống giao thông nông thôn, những năm qua, cùng với sự đóng góp của nhân dân, nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, giao thông nông thôn ở huyện Mỹ Lộc cơ bản được chuẩn hóa, nâng cấp với 246km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; tiếp tục phát huy lợi thế của các tuyến quốc lộ đi qua như Quốc lộ 10, Đại lộ Thiên trường, cầu Tân Phong trong phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải tạo, nâng cấp đường 38, đường 63B, làm đường vào Đình Sùng Văn, đường vào Đình miếu Cao Đài đi Lộc Hòa theo tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện dự án đường trục trung tâm thị trấn, đường Thịnh - Thắng qua 6 xã, thị trấn theo tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng. Phối hợp với Sở GTVT cải tạo, nâng cấp trục đường xã từ nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ tại các xã Mỹ Hưng, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận. Cùng với phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện có nhiều tiến bộ và đạt được thành tích mới. Năm học 1997-1998 toàn huyện chỉ có 1 Trường THPT Mỹ Lộc, các xã có 11/30 trường cao tầng, nhiều phòng học bị xuống cấp, trang thiết bị dạy học và hệ thống thư viện, các phòng học chức năng đều ở trong tình trạng lạc hậu. Đến nay bậc THPT có thêm Trường THPT Trần Văn Lan; 31/32 trường mầm non, tiểu học, THCS được xây cao tầng kiên cố. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. 100% số xã được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tỷ lệ tốt nghiệp THCS là 99,76%, hằng năm học sinh tốt nghiệp THCS thi đỗ vào các trường THPT bằng các loại hình đào tạo đạt trên 80%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát triển ở cả bề rộng và chiều sâu. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn huyện đạt 76,98%, 70% số làng, xóm, tổ dân phố được công nhận văn hóa; 96/137 thôn, xóm, tổ dân phố có NVH. Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của huyện đã tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; nhiều lễ hội truyền thống được khơi dậy góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của đất và người Mỹ Lộc. Từ khi tái lập đến nay, huyện Mỹ Lộc đã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Hiện nay toàn huyện có 10/11 trạm y tế xã, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện đa khoa huyện được tỉnh đầu tư nâng cấp thành bệnh viện đa khoa hạng 3 với quy mô 160 giường bệnh. Tỷ lệ che phủ BHYT toàn huyện đạt trên 80% dân số. Công tác y tế dự phòng được chú trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. Cơ cấu lao động được chuyển dịch tích cực cùng với sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,46%. Chính sách cho người có công được thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời, 100% hộ chính sách hiện có mức sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của huyện. Cùng với ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đã ủng hộ hàng tỷ đồng để hỗ trợ xây mới và sửa chữa Nhà Đại đoàn kết cho các gia đình chính sách, những hộ có khó khăn về nhà ở nhằm giúp các đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các xã, thị trấn đều có xuất phát điểm thấp (chỉ đạt 5-8 tiêu chí). Trước thực trạng đó, với sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, Mỹ Lộc đã đạt được một số kết quả quan trọng trong xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực, lồng ghép thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn (2010-2015) là 336,517 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 16,688 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 52,646 tỷ đồng, ngân sách huyện 13,691 tỷ đồng, ngân sách xã 44,318 tỷ đồng, nhân dân tự nguyện đóng góp là 167,858 tỷ đồng, các nguồn khác (vốn tín dụng, lồng ghép, doanh nghiệp hỗ trợ) là 44,316 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân đã đóng góp trên 10.500 ngày công lao động, hiến hơn 61.800m2 đất làm đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn. Năm 2016, xã Mỹ Tân, Mỹ Phúc được UBND tỉnh công nhận là xã NTM theo Quyết định số 503/QĐ-UBND. Năm 2017, qua khảo sát xã Mỹ Hưng đã đạt 19 tiêu chí NTM. Cuối năm 2017 phấn đấu xã Mỹ Hà, Mỹ Thịnh, Mỹ Trung, Mỹ Thắng về đích NTM. Các xã còn lại đã đạt từ 12 đến 14 tiêu chí. Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, 20 năm qua, Đảng bộ huyện Mỹ Lộc từ lúc có 2.449 đảng viên năm 1997 đến nay đã có 3.500 đảng viên. Các cấp ủy Đảng trong huyện luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc kiểm điểm và khắc phục khuyết điểm, tồn tại, hạn chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) được lãnh đạo thực hiện nghiêm túc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, nhận xét, đánh giá cán bộ được thực hiện đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ CNH-HĐH. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, góp phần tích cực trong việc giáo dục đảng viên, ngăn ngừa vi phạm, ổn định tình hình. 
 
Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ huyện Mỹ Lộc xác định phương hướng, mục tiêu trong nhiệm kỳ này là: tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, đoàn kết, kỷ cương; huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng; thương mại - dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu hút đầu tư vào các khu, CCN, làng nghề, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 11,04%. GRDP bình quân đầu người đạt 60-63 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 112 triệu đồng.
 
Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh nông thôn. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và củng cố hệ thống chính trị. Phấn đấu hằng năm có 85% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ; 80% chính quyền cơ sở đạt vững mạnh; tỷ lệ tập hợp hội viên, đoàn viên đạt 86%... MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội đạt tiên tiến, tiên tiến xuất sắc của tỉnh.
 
Phát huy kết quả qua 20 năm tái lập, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nhiệt huyết cùng với phương châm đổi mới, sáng tạo, chắc chắn các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở cùng các tầng lớp nhân dân sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tích mới, xây dựng Mỹ Lộc ngày càng phát triển toàn diện, bền vững./. 
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com