Xây dựng nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển

09:06, 10/06/2016

LTS: Ngày 8-6-2016, tại bãi biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Bộ TN và MT phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016 và kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới với chủ đề “Vì một Hành tinh xanh”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu. Báo Nam Định trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.

Thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nam Định,

Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào,

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: chinhphu.vn

Hôm nay, chúng ta trang trọng tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2016 tại tỉnh Nam Định, địa phương có nền văn hóa tiêu biểu vùng ven biển Bắc Bộ. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tôi hoan nghênh Bộ TN và MT, UBND tỉnh Nam Định cùng với các địa phương có biển đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016.

Thưa quý vị đại biểu thưa đồng chí, đồng bào.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cùng với đất liền, biển, đảo đã tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển của những thế hệ người dân Việt, là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tự hào, trân trọng truyền thống lịch sử, chúng ta phải phát huy sức mạnh to lớn của cả dân tộc để phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Khi nguồn tài nguyên và không gian phát triển trên đất liền ngày càng hạn hẹp, việc hướng ra biển, phát triển kinh tế biển là một xu thế lớn trên toàn cầu. Hưởng ứng chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm nay là “Đại dương khỏe mạnh hành tinh lành mạnh”, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016 có chủ đề “Vì một hành tinh xanh” nhằm đề cao trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tăng cường quản lý, khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đồng thời là thông điệp mạnh mẽ khẳng định Việt Nam luôn có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực vì một Hành tinh xanh.

Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào.

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, hướng tới mục tiêu đưa nước ta sớm trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Để phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi và vượt qua khó khăn, thách thức, tôi đề nghị các bộ, ngành và địa phương triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Quang cảnh Lễ mít tinh Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016 và kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới. Ảnh: Xuân Thu
Quang cảnh Lễ mít tinh Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016 và kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới. Ảnh: Xuân Thu

Một là, đoàn kết, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cần tăng cường năng lực hiệu quả hoạt động, cùng với người dân trên đảo, ngư dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Tôi mong đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài cùng đóng góp thiết thực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Hai là, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên biển cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về biển và hải đảo; triển khai thực hiện tốt Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; phối hợp đồng bộ, toàn diện giữa các cấp, các ngành, địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Ba là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo nhằm xác lập luận cứ khoa học cho xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển, đảo và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia…

Bốn là, huy động, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư và áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thực hiện các chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Cần có các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho người dân bám biển, phát triển kinh tế biển.

Năm là, bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; ứng phó kịp thời với các sự cố môi trường. Yêu cầu Bộ TN và MT chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát tất cả các dự án trên cả nước có xả thải ra môi trường biển, bảo đảm phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của pháp luât về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm.

Sáu là, chủ động phòng tránh thiên tai, nâng cao hiệu quả công tác dự báo khí tượng thủy văn biển; dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển… Đẩy mạnh truyền thông để mỗi thành viên trong xã hội có ý thức chủ động phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; giảm thiệt hại về người, tài sản. Các cấp chính quyền và nhân dân chủ động có các giải pháp để hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng, nhất là các vùng đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.

Bảy là, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển và hải đảo một cách thiết thực, hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan trong khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cứu hộ, cứu nạn trên biển, xử lý ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào.

Việt Nam ủng hộ các nước có lợi ích ở Biển Đông có những hành động thiết thực góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường biển. Việt Nam kiên trì, kiên quyết yêu cầu các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC); tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tiến hành đàm phán thực chất để sớm ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chúng ta phải cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng của Biển Đông, là tiền đề để xây dựng nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Đó là niềm mong ước, khát vọng hàng nghìn năm của dân tộc ta và là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao được các thế hệ tiền nhân, các hùng binh Hoàng Sa năm xưa trao truyền cho những thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mai sau.

Tôi tin tưởng rằng, với lòng yêu nước nồng nàn, mỗi người dân Việt Nam chúng ta sẽ tiếp nối, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển thành công, hợp tác cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ đại dương xanhhành tinh xanh.

Chúc quý vị đại biểu, các đồng chí, đồng bào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com