Phát huy sức mạnh đại đoàn kết và dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới

07:04, 23/04/2016

Quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh to lớn; truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta phải thấu suốt và quán triệt sâu sắc những bài học về đoàn kết và dân chủ đã được khẳng định trong thực tiễn. Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Tư liệu

Thực tiễn cho thấy, để huy động được sức mạnh và trí tuệ của toàn dân đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải quán triệt và thực hiện cho được quan điểm “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được coi là vấn đề cốt lõi thể hiện bản chất của chế độ XHCN. Người dạy: “Nước lấy dân làm gốc; Gốc có vững cây mới bền; Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Theo Bác, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Biết dựa vào dân, tin vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân, chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Bước vào thời kỳ mới, quan điểm “Dân là gốc” phải được coi là nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Sự nghiệp đổi mới đất nước là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân nên mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ dân, dựa vào dân để thực hiện. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”!

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, Đảng ta đã xác định: “Dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân... Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”, “Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Thực hiện dân chủ theo đúng nghĩa chính là điều kiện quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi đã từng nói “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” để nói lên sức mạnh của nhân dân, của dân chủ. Trong bài báo “Dân vận” nổi tiếng viết năm 1949, Hồ Chí Minh đã trình bày lý luận về dân chủ một cách giản dị nhưng rất rõ ràng, chuẩn xác “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Bác cho rằng “... thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Đối với người dân, Người cũng nói rõ, dân đã có quyền làm chủ thì cũng phải tự giác thi hành nghĩa vụ của người chủ.

Xã hội càng phát triển thì đòi hỏi trình độ dân chủ trong xã hội càng cao. Mặt khác, dân chủ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đo lường sự phát triển của xã hội, bởi lẽ bảo đảm và phát huy dân chủ là bảo đảm tôn trọng và thực hiện quyền con người, quyền và lợi ích của người dân trên tư cách người chủ của xã hội. Dân chủ phải đi liền với bảo đảm trật tự, kỷ cương, tuân thủ pháp luật. Một nền dân chủ lành mạnh phải là nền dân chủ tuân thủ pháp luật, không tách rời khỏi pháp luật. Pháp luật chính là giới hạn, là hành lang vận động của dân chủ. Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang tập trung xây dựng là mô hình Nhà nước quản lý và điều hành theo pháp luật, trong đó pháp chế XHCN và kỷ luật, kỷ cương phải được tăng cường, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền!”.

Vì vậy, dân chủ trong điều kiện mới phải thể hiện trong các thể chế, thiết chế của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị cũng như trong các quan hệ xã hội, trong đó phải đề cao tính công khai, minh bạch, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân. Người dân có quyền làm chủ toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát. Muốn vậy, trước hết phải xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, trọng tâm là bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước và cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước. Ở góc nhìn cụ thể hơn, dân chủ không chỉ là ý chí của Nhà nước, là nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân mà dân chủ còn phải là thành quả thực tế mà người dân có thể thụ hưởng được cả về vật chất lẫn tinh thần. Có dân chủ thật sự mới có đoàn kết thật sự, mất dân chủ thì không có đoàn kết, còn nếu có thì chỉ là hình thức bên ngoài. Xây dựng nền dân chủ để từ đó phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển đất nước chính là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng.

Để xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó con người có cơ hội phát triển toàn diện, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong các điều kiện cần thiết là phải bảo đảm dân sinh. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, với cương vị người đứng đầu Nhà nước dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu Đảng và Chính phủ phải cố gắng giải quyết thật tốt vấn đề dân sinh, trong đó tập trung thực hiện ngay những nhiệm vụ then chốt, đó là: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân được học hành. Trong quan niệm của Người, chủ nghĩa xã hội luôn gắn chặt với vấn đề dân sinh, phải luôn coi trọng và thực hiện ngày càng tốt hơn vấn đề dân sinh.

Thực hiện theo lời Bác, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách để ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Tuy vậy, việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn có những hạn chế. Sự phát triển các lĩnh vực, các vùng, miền thiếu đồng bộ, sự chênh lệch trong hưởng thụ các giá trị của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với vùng đồng bằng, đô thị còn lớn; giảm nghèo chưa bền vững; khoảng cách giàu - nghèo, sự chênh lệch trong thu nhập ngày càng gia tăng... Đây chính là những vấn đề cần chia sẻ, cần khắc phục, không để mâu thuẫn phát sinh. Vì vậy, giải quyết tốt vấn đề dân sinh cần được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong thời kỳ mới. Vấn đề cốt lõi là cần tập trung xây dựng và thực hiện các chính sách phù hợp với từng giai tầng xã hội, nhất là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển. Quá trình thực hiện, cần quan tâm hơn nữa đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, quan tâm đến vùng, miền còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhà nước phải có sự hỗ trợ và có chính sách cụ thể để tạo sự phát triển cân đối, bền vững, bảo đảm ổn định đời sống, ổn định chính trị - xã hội.  

Nền tảng để xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền dân chủ XHCN còn là sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm sự phát triển hài hòa trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong hoạch định chính sách và quản lý xã hội, cần tránh tư tưởng nôn nóng trong tăng trưởng mà quản lý phát triển xã hội không tốt, đồng thời phải từng bước khắc phục tình trạng bất bình đẳng, đạo đức xã hội xuống cấp, đời sống văn hóa có những biểu hiện thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, xa lạ với truyền thống dân tộc. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn là sự đồng tâm, hợp lực trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và chủ quyền đất liền, biển, đảo thiêng liêng, thể hiện khí phách dân tộc như trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam), bài thơ có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà.

86 năm đã qua, kế tục và phát huy vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, MTTQ Việt Nam ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện được mục tiêu trên, cùng với xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc còn phải tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu. Bởi lẽ, mặt trận được tăng cường mới xứng đáng với sứ mệnh lịch sử là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu, trong đó Đảng vừa là thành viên, vừa lãnh đạo mặt trận. Mặt trận được tăng cường mới đủ sức làm được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; mới đáp ứng yêu cầu là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đủ sức làm trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; làm được nòng cốt là trung tâm tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước.

Khi đã thấu suốt những quan điểm, bài học về đoàn kết và dân chủ được minh chứng trong thực tiễn, được khẳng định về mặt lý luận và thực hiện một cách cụ thể, có những chủ trương, quyết sách rõ ràng, sẽ tạo được sự đồng thuận và lòng tin vững chắc trong nhân dân, từ đó tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được hội tụ, giá trị của dân chủ được phát huy, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước./.

Tiến sĩ TRẦN THANH MẪN, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com