Nghĩa Hưng đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng

10:04, 29/04/2016
Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 14-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng, thời gian qua, Huyện ủy Nghĩa Hưng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, phát hành Lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử ngành, đoàn thể, lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn; đồng thời triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, giới thiệu lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương nhằm khơi dậy tinh thần cách mạng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thanh niên, học sinh trong huyện.
 
Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng, Huyện ủy Nghĩa Hưng chỉ đạo các cấp ủy Đảng tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện đối với công tác sưu tầm, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ các địa phương, đơn vị. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện uỷ hằng năm tổ chức giao ban định kỳ, nắm bắt tình hình triển khai nghiên cứu biên soạn lịch sử; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn về phương pháp sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ cho các Đảng bộ trực thuộc và các xã, thị trấn. Ban Tuyên giáo Huyện uỷ cũng đã xây dựng quy định trong việc thẩm định lịch sử Đảng bộ địa phương và truyền thống của các ngành. Các xã, thị trấn đã đưa nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ vào nghị quyết của Đảng bộ và tập trung chỉ đạo, tăng cường cán bộ theo dõi và trực tiếp sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ. Kết quả, đến nay huyện đã hoàn thành việc xuất bản và phát hành cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng 1930-2000”; toàn huyện có 5 đơn vị xuất bản lịch sử và truyền thống ngành; cả 25 xã, thị trấn đã xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương giai đoạn 1930-1990; 16 xã, thị trấn đã tái bản, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương đến năm 2010. 
Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện Nghĩa Hưng tổ chức hội thảo xây dựng bài giảng về lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng làm tài liệu giảng dạy trong các trường THCS. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện Nghĩa Hưng tổ chức hội thảo xây dựng bài giảng về lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng làm tài liệu giảng dạy trong các trường THCS. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cũng được chú trọng. Huyện ủy Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như: Đưa nội dung lịch sử địa phương vào tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi bộ cơ sở; làm tài liệu giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng đảng viên mới; phát trên hệ thống đài truyền thanh… Đặc biệt, trong nhiều năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã thực hiện tốt việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường một cách có hệ thống như: Đưa việc giảng dạy lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định trong các trường THPT, Trung tâm GDTX, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; giảng dạy lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng, lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn trong các trường THCS. Tháng 11-2015, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện tổ chức hội thảo xây dựng tập bài giảng về lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng (1930-2015) nhằm đảm bảo tính thời sự và cập nhật thực tế để làm tài liệu thống nhất nội dung giảng dạy trong các trường THCS trên phạm vi toàn huyện. Nội dung các bài giảng đã phản ánh được một cách khách quan, trung thực lịch sử hình thành mảnh đất con người Nghĩa Hưng từ khi thành lập làng, xã đến nay cũng như quá trình ra đời, hoạt động và trưởng thành của chi bộ Đảng, của Đảng bộ trong quá trình lãnh đạo đấu tranh giải phóng quê hương, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các chặng đường lịch sử. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lịch sử đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần, niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo không khí thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng bộ đề ra.
 
Đồng chí Trần Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Việc nâng cao chất lượng công tác biên soạn, xuất bản, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV. Trong đó mục tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện và Đảng bộ các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện việc xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, trong những năm tới, Huyện uỷ Nghĩa Hưng tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 14-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng. Tăng cường chỉ đạo các chi bộ, Đảng bộ, các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử Đảng bộ; quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí cán bộ có năng lực thực hiện việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử. Tích cực đổi mới hình thức và nội dung việc học tập, giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là đưa việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng vào trong các nhà trường thành thực chất và hiệu quả hơn./.
 
Trần Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com