70 năm Quốc hội Việt Nam (kỳ 10)

08:03, 25/03/2016

70 năm Quốc hội Việt Nam (kỳ 9)

(Tiếp theo kỳ trước)

2.4.4. Kết quả hoạt động

i) Quốc hội nhiệm kỳ khóa IX (1992-1997)

- Bầu cử ngày 19-7-1992

- Tổng số đại biểu: 395

Cơ cấu thành phần của Quốc hội

+ Nông nghiệp: 14,68%      

+ Công nghiệp: 4,8%          

+ Luật: 3,8%

+ Giáo dục: 6,1%

+ Văn học nghệ thuật: 5,08%

+ Cán bộ chính trị: 10,94%

+ Đảng viên: 91,6%

+ Dân tộc thiểu số: 16,79%

+ Quản lý Nhà nước: 31,3%

+ Quân đội: 6,78%

+ Phụ nữ: 18,84%

Quốc hội khóa IX là nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động theo tinh thần của Hiến pháp 1992, trong đó Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Quốc hội IX đã bầu đồng chí Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Chủ tịch, 9 Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và thành lập Hội đồng quốc phòng và an ninh do đồng chí Lê Đức Anh làm Chủ tịch. Ngoài ra, Quốc hội còn thành lập Hội đồng dân tộc và 7 Uỷ ban của Quốc hội: Uỷ ban Pháp luật; Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách; Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Uỷ ban Về các vấn đề xã hội; Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Uỷ ban Quốc phòng và an ninh và Uỷ ban Đối ngoại. Trong đó, Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội lần đầu tiên được thành lập.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, ngày 20-9-1997. Ảnh: Tư liệu
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, ngày 20-9-1997. Ảnh: Tư liệu

Trong nhiệm kỳ khóa IX, qua 11 kỳ họp, Quốc hội đã tập trung thời gian, trí tuệ để đẩy mạnh hoạt động lập pháp với kết quả là 36 luật, bộ luật và 43 pháp lệnh đã được ban hành. Quốc hội đã ưu tiên ban hành các văn bản cần thiết nhằm thiết lập hệ thống chính sách nhất quán, tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế với vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước; góp phần đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, trong đó có việc đổi mới chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tăng tích lũy để tạo vốn đầu tư phát triển. Nhiều đạo luật tạo cơ sở pháp lý hình thành môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế đã được Quốc hội khóa IX ban hành, như: Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Công ty (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp tư nhân (sửa đổi), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, các luật về thuế… Cùng với các văn bản pháp luật về kinh tế, Quốc hội đã quan tâm ban hành các luật, pháp lệnh về đổi mới hệ thống chính trị nhằm góp phần thực hiện tốt nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Quốc hội khóa IX đã xem xét và thông qua Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức Viện KSND, Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi)… Đây là những đạo luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước phù hợp với các quy định của Hiến pháp 1992. Ngoài ra, Quốc hội còn chú ý xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật thể chế hóa các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, bảo đảm trật tự, kỷ cương, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh như ban hành hai bộ luật lớn: Bộ luật Lao động (1994), Bộ luật Dân sự (1995), Nghị quyết về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu…

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa IX cũng đã ban hành nhiều pháp lệnh, trong đó đáng chú ý là Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.

Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước, như hằng năm, Quốc hội xem xét và thông qua các nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước; phân bổ ngân sách Nhà nước; các vấn đề cơ bản về đối nội và đối ngoại… Đáng chú ý là lần đầu tiên sau 10 năm tiến hành đổi mới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm (1996-2000), thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội trước định hướng phát triển lâu dài của đất nước. Quốc hội cũng đã quyết định việc miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn việc bổ nhiệm một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; sáp nhập một số bộ, ngành; việc chia tách một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác giám sát của Quốc hội cũng đã có những đổi mới nhất định như tiến hành nghe các báo cáo hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương; cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trước nhân dân. Đặc biệt là từ năm 1994 đến nay, các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp, tạo không khí cởi mở, đối thoại giữa người hỏi và người trả lời, được nhân dân quan tâm theo dõi và hoan nghênh.

Quốc hội đã chú trọng đến công tác dân nguyện, tiếp dân và giải quyết các đơn thư của nhân dân. Nhiều đoàn công tác của Quốc hội đã trực tiếp đến các địa phương, cơ sở để đôn đốc, xem xét việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội giai đoạn này cũng có nhiều đổi mới. Các cơ quan của Quốc hội đã triển khai hoạt động đối ngoại một cách chủ động, tích cực, thực hiện có kết quả chính sách rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, góp phần quan trọng thúc đẩy việc thực hiện thành công chính sách đối ngoại Việt Nam “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Kết thúc nhiệm kỳ, khi đánh giá về hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa IX, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã nêu rõ: cùng với toàn Đảng, toàn dân, các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, Quốc hội đã không ngừng phấn đấu, góp phần quan trọng vào những thành tựu đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng và 10 năm đổi mới của đất nước ta.

ii) Quốc hội nhiệm kỳ khóa X (1997-2002)

- Bầu cử ngày 20-7-1997

- Tổng số đại biểu: 450

Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:

+ Phụ nữ: 26,2%                  

+ Dân tộc thiểu số: 17,33%      

+ Đại biểu khoá IX tái cử: 27,34%

+ Ngoài Đảng:15%

+ Đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi): 18,6%

+ Các lực lượng vũ trang nhân dân: 12,2%

+ MTTQ và các tổ chức đoàn thể: 14%

+ Tôn giáo: 0,17%

+ Giáo dục: 4,88%

+ Y tế: 4%

+ Công nghiệp: 4,66%

+ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản: 3,77%

Quốc hội khóa X được bầu cử và đi vào hoạt động đúng vào thời điểm công cuộc đổi mới sau 10 năm đã thu được những thành tựu to lớn. Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa X đã tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII và lần thứ IX của Đảng về đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gồm 14 thành viên do đồng chí Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và 8 ủy viên. Tại kỳ họp thứ 9 từ ngày 22-5 đến ngày 29-6-2001, Quốc hội đã tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội thay đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu giữ chức Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Quốc hội đã thành lập Hội đồng Quốc phòng và an ninh; thành lập Hội đồng Dân tộc và 7 Uỷ ban của Quốc hội: Uỷ ban Pháp luật; Uỷ ban Kinh tế và ngân sách; Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Uỷ ban Về các vấn đề xã hội; Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường; Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, Uỷ ban Đối ngoại.

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1997-2002) qua 11 kỳ họp và 50 phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa X đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đẩy mạnh công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tính dân chủ trong hoạt động ngày càng được phát huy, tính hình thức ngày càng giảm.

- Về hoạt động lập pháp:

Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã ban hành được 1 bộ luật, 31 luật; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành được 39 pháp lệnh. Các văn bản luật và pháp lệnh được ban hành đã quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống và công cuộc phát triển đất nước. Đối tượng điều chỉnh của các văn bản này liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều văn bản pháp luật đã đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tiễn nên nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Điểm nổi bật là tại kỳ họp thứ 10 từ ngày 21-11 đến ngày 25-12-2001, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX (năm 2001). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Cụ thể là ở Điều 84 của Hiến pháp 1992 đã được bổ sung quy định: Quốc hội phân bổ ngân sách Trung ương còn việc phân bổ ngân sách địa phương thì được giao cho HĐND cấp tỉnh; Quốc hội quyết định chính sách tôn giáo; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; về quyền của Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký.

Vai trò của Quốc hội được tăng cường trong việc xem xét và quyết định các vấn đề nhân sự cấp cao. Trước năm 2001, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 đều giao cho cơ quan thường trực của Quốc hội là Hội đồng Nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Điều khoản sửa đổi của Hiến pháp 1992 đã bãi bỏ thẩm quyền này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm Quốc hội là chủ thể duy nhất có quyền quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Quốc hội đã xem xét và ban hành mới các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Đó là, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức Viện KSND nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan này. Quốc hội cũng đã ban hành Luật MTTQ Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn CNH-HĐH đất nước, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự ưu tiên cho việc xây dựng và ban hành các luật, pháp lệnh về lĩnh vực kinh tế; trong đó chú trọng các vấn đề về doanh nghiệp, chính sách đầu tư, tín dụng, ngân hàng, tiếp tục cải cách chính sách thuế, chống tham nhũng, lãng phí, hội nhập khu vực và thế giới... như Luật Doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, sửa đổi các Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Pháp lệnh Chống tham nhũng, Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một số luật, pháp lệnh khác và một số nghị quyết có quy phạm pháp luật. Các văn bản pháp luật này đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Bên cạnh việc ưu tiên thông qua luật, pháp lệnh để phát triển kinh tế, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm đến việc thông qua các luật, pháp lệnh về các lĩnh vực xã hội. Luật Phòng, chống ma tuý là cơ sở pháp lý quan trọng để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn xã hội nguy hại này. Việc ban hành Pháp lệnh Người cao tuổi và Pháp lệnh Người tàn tật thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với các đối tượng đã có nhiều đóng góp cho xã hội, nay mất sức lao động hoặc những người bị khuyết tật, tạo điều kiện cho họ vươn lên ổn định cuộc sống riêng và tiếp tục đóng góp cho xã hội.

Giữ vững quan điểm coi trọng nhân tố con người, coi giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu và tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường, giữ gìn các giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh kịp thời các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường như: Luật Giáo dục, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Tài nguyên nước, Luật Di sản văn hoá, Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh Quảng cáo, Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Nghị quyết về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở...

Nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh quan trọng như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Pháp lệnh Cán bộ, công chức, Pháp lệnh Luật sư, Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991, Nghị quyết về việc ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Điều đáng chú ý là quy trình xây dựng pháp luật đã được quan tâm cải tiến. Cụ thể là vai trò và trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật được nâng cao. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về các dự án luật, pháp lệnh được tiếp tục coi trọng và có những đổi mới đáng kể nhằm phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân cả nước. Các đợt lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật ngày càng có hiệu quả thiết thực và đã trở thành những cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp trong cả nước. Sự chuẩn bị và phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có bước tiến bộ. Việc xem xét và thông qua dự án luật tại kỳ họp Quốc hội đã có cải tiến, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ của việc xem xét và thông qua dự án luật.

- Về các vấn đề quan trọng của đất nước

Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan Nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các vấn đề về bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết về kế hoạch 5 năm (1996-2000) và thông qua Nghị quyết về kế hoạch 5 năm tiếp theo (2001-2005); thông qua Nghị quyết về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thảo luận và quyết định thực hiện 3 dự án quan trọng, đó là: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Dự án khí - điện - đạm ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Quốc hội đã dành công sức, thận trọng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thuỷ điện Sơn La - một công trình phức tạp và lớn nhất nước ta, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đẩy mạnh CNH-HĐH trong thời kỳ mới. Quốc hội cũng đã nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án đường Hồ Chí Minh để Chính phủ có cơ sở tiếp tục chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6-2000); Nghị quyết về việc phê chuẩn “Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại song phương” tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11-2001).

- Về hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát của Quốc hội khóa X cũng được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát. Quốc hội đã tập trung giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật; hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về kinh tế, ngân sách Nhà nước, về dân tộc, miền núi, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; vấn đề giao lưu kinh tế qua biên giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA); việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình 135, vấn đề cử tuyển và chính sách đào tạo, sử dụng đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử… Hoạt động giám sát tại các kỳ họp đã được đổi mới, theo đó, nội dung giám sát ngày càng phong phú, được thảo luận dân chủ hơn. Thời gian dành cho việc xem xét các báo cáo cũng được bố trí thỏa đáng hơn. Các phiên chất vấn đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

- Về hoạt động đối ngoại

Trong nhiệm kỳ này, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã được triển khai chủ động trên nhiều địa bàn, với nhiều chủ thể khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương như: Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Hiệp hội các Nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP); Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF); Diễn đàn Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPF); Diễn đàn Nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển (AFPDD).

Ngoài ra, hoạt động giao lưu giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp và các tổ chức Liên nghị viện cũng được đẩy mạnh. Tổng cộng có 129 đoàn đại biểu Quốc hội từ các nước, trong đó có 16 Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và làm việc với Quốc hội Việt Nam. Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đi thăm chính thức các nước, tham dự các kỳ họp thường niên của Đại hội đồng AIPO; Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã tham dự kỳ họp lần thứ 100 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Hội nghị thiên niên kỷ các vị đứng đầu cơ quan lập pháp các nước trên thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại trụ sở Đại hội đồng LHQ ở New York. Đặc biệt, tại kỳ họp lần thứ 22 Đại hội đồng AIPO ở Bangkok (Thái Lan), Quốc hội Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch và Tổng thư ký AIPO nhiệm kỳ 2001-2002 và đã đăng cai, tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 tại Hà Nội vào tháng 9-2002.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com