Tiếp tục triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

06:04, 18/04/2015

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở”, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh giám sát tình hình hoạt động tại KCN Bảo Minh.
Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh giám sát tình hình hoạt động tại KCN Bảo Minh.

Hằng năm, Ban TVTU đều chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc phát huy dân chủ, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở các đơn vị trực thuộc. HĐND các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở, thực hiện đa dạng hóa các hình thức giám sát. Những vấn đề quan trọng, liên quan đến dân sinh trước khi trình HĐND xem xét, quyết định được đưa ra để nhân dân thảo luận, góp ý. Từ năm 2014 đến nay, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh đã tiến hành 51 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó, Ban Pháp chế giám sát 2 chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và thực hiện cải cách hành chính. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; thành lập đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung các văn bản cho phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị trong việc thực hiện QCDC. UBND các huyện tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm giao dịch hành chính “một cửa”; triển khai kịp thời các văn bản liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm, dễ gây bức xúc trong nhân dân như pháp luật về đất đai, chế độ chính sách, môi trường… Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, UBND các cấp đã gắn việc xây dựng và thực hiện QCDC với đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên; nêu cao vai trò trách nhiệm của tổ chức trong việc tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do triển khai đồng bộ các biện pháp, việc thực hiện QCDC đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11) đã được các xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn các khu dân cư. Những việc nhân dân được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, được kiểm tra, giám sát đã được mở rộng và cụ thể hơn. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, huy động đóng góp của nhân dân xây dựng các công trình phúc lợi, bình xét hộ nghèo, gia đình chính sách, sửa đổi hương ước, quy ước… được đưa ra lấy ý kiến đóng góp công khai bằng những hình thức trực tiếp thông qua MTTQ, các đoàn thể, hội quần chúng. 100% số xã, phường, thị trấn đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”. Việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân, công khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được các xã, phường, thị trấn triển khai nghiêm túc, bằng nhiều hình thức như: thông báo trên hệ thống truyền thanh, niêm yết tại trụ sở xã, NVH các thôn, xóm, tổ dân phố; thông qua hội nghị trưởng thôn, xóm, tổ dân phố. Đến nay, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã cơ bản xây dựng các nội quy, quy chế, quy ước thực hiện dân chủ sát với tình hình thực tế của địa phương. Có 2.738/3.566 (đạt 75,9%) hương ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố đã được UBND các huyện, thành phố phê duyệt; trong đó các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường có 100% thôn, xóm đã xây dựng hương ước. Việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (theo Nghị định 71/1998/NĐ-CP) đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay toàn tỉnh có 653/662 (đạt 98,6%) cơ quan Nhà nước và 1.447/1.495 (đạt 98,8%) đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, trong đó, công đoàn cơ sở khối giáo dục tổ chức hội nghị theo năm học đạt kết quả 100%. Các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiện toàn Ban thanh tra nhân dân cơ quan. Sau hội nghị cán bộ công chức, Ban chấp hành công đoàn các cơ quan đã phối hợp với lãnh đạo cơ quan, Ban thanh tra nhân dân rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Ở Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, 100% cơ quan có nội quy, quy chế chi tiêu tài chính và sử dụng tài sản công; 85% cơ quan có quy ước nếp sống văn hóa; 96% cơ quan có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ quan; 95% cơ quan xây dựng quy chế hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; 90% cơ quan có quy chế tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; 97% cơ quan có quy chế tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật và nhận xét, đánh giá cán bộ công chức. Về kết quả thực hiện QCDC ở doanh nghiệp (theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP), được cấp ủy Đảng, các chủ doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo, triển khai kịp thời nên việc điều chỉnh các quy chế, quy định trong thực hiện QCDC tại nơi làm việc đã đạt được kết quả bước đầu. Hằng năm, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở cho báo cáo viên và cán bộ chủ chốt ở các đơn vị trực thuộc; 100% doanh nghiệp Nhà nước; 90% Cty CP, Cty TNHH đã tiến hành quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định 60/NĐ-CP tới cán bộ, đoàn viên, hội viên, người lao động trong doanh nghiệp…. Thực hiện dân chủ theo Nghị định 60/NĐ-CP, đến nay đã có 226/328 doanh nghiệp (đạt 68,9%) tổ chức hội nghị người lao động; 206 doanh nghiệp (đạt 62,8%) tổ chức thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; 263 doanh nghiệp (đạt 80,2%) xây dựng thang, bảng lương; 88 doanh nghiệp (đạt 26,6%) xây dựng được quy chế đối thoại định kỳ; 72 doanh nghiệp (đạt 22%) thành lập tổ đối thoại và tiến hành tổ chức đối thoại với người lao động ở nơi làm việc; 220 doanh nghiệp (đạt 67,1%) xây dựng quy chế hội nghị người lao động; 226 doanh nghiệp (đạt 68,9%) tổ chức hội nghị người lao động. Đối với Cty CP, Cty TNHH, các doanh nghiệp đã cơ bản triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cấp ủy với hội đồng quản trị và Ban chấp hành các đoàn thể. Cấp ủy đã cùng với chủ doanh nghiệp thống nhất, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Chủ các doanh nghiệp cũng đã quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến cho người lao động nắm vững những nội dung của Nghị định 60/NĐ-CP; phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị người lao động trong doanh nghiệp. Thực hiện QCDC, trách nhiệm của lãnh đạo Cty với người lao động được nâng lên đã tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế các tranh chấp phát sinh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở, thời gian tới cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, nhất là người đứng đầu trong thực hiện QCDC. Nâng cao hiệu quả phối hợp, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; “Quy định việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt hương ước, quy ước ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố; rà soát, bổ sung nội quy, quy chế phù hợp với tình hình thực tế ở các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện cải cách hành chính và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính, các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi và đời sống của nhân dân. Lấy kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở làm một tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm đối với các tổ chức Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com