Mặt trận tư tưởng - Nhân tố rất quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

06:04, 18/04/2015

ĐINH THẾ HUYNH
(Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)

(Tiếp theo và hết)

Cuối năm 1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội và một số thành phố lớn, hòng đưa miền Bắc nước ta “trở về thời kỳ đồ đá”. Bằng bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm, quân và dân ta đã đánh tan xác nhiều “pháo đài bay B52”, niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ, đánh sập cuồng vọng xâm lược của kẻ thù, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Thế giới khâm phục. Hà Nội được tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.  

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, công tác tư tưởng đã phát huy cao độ, huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia. Các binh chủng làm công tác tư tưởng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến; nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các đơn vị quân đội đã quán triệt đến mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; biến ý chí, quyết tâm thành hành động, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí, kịp thời đưa tin chiến thắng, khơi dậy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong đồng bào và chiến sĩ cả nước. Tất cả đều bừng bừng khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, “táo bạo, táo bạo hơn nữa” tiến về giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Trong hào khí đó, cùng với nhiều bài hát nổi tiếng khác, bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, vang lên trên các đường phố Sài Gòn, vang vọng khắp hai miền đất nước trong ngày Đại thắng 30-4-1975. Mặt trận công tác tư tưởng đã góp phần xứng đáng cùng toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một trong những chiến công vĩ đại nhất trong thế kỷ XX.

Nhìn lại 21 năm anh dũng, sáng tạo, trường kỳ kháng chiến, mặt trận tư tưởng của Đảng đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Có thể khái quát 3 thành tựu chủ yếu của công tác tư tưởng như sau:  

Một là, công tác tư tưởng của Đảng đã cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần xây dựng và tuyên truyền, giáo dục, tổ chức thực hiện đường lối kháng chiến cứu nước đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm Việt Nam của Đảng ta. Coi trọng việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm cho thế giới quan Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng thấm sâu trong đời sống tinh thần của xã hội. Công tác lý luận đã tích cực nghiên cứu thực tiễn, phát triển lý luận, nhất là những vấn đề cấp bách của cuộc kháng chiến cứu nước, như: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; về chiến tranh nhân dân; về Quân đội nhân dân Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam...

Bác Hồ đến thăm một đơn vị bộ đội không quân. Ảnh: TL
Bác Hồ đến thăm một đơn vị bộ đội không quân. Ảnh: TL

Hai là, công tác tư tưởng góp phần xây dựng con người Việt Nam trong kháng chiến có lòng yêu nước thiết tha, bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, tinh thần dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo và luôn có niềm tin tất thắng. Bắt nguồn từ truyền thống anh dũng, kiên cường của dân tộc, kết hợp với lý tưởng cách mạng cao đẹp, con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tôi luyện, trưởng thành, phát huy cao độ lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khát vọng độc lập, tự do: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đại sứ của Mỹ Tay-lơ đã phải thú nhận: “Sức mạnh không quân là một sự yểm trợ, nhưng nó không thể quyết định việc chặn đứng những con người đang chiến đấu trên mặt đất... Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức hy sinh vì sự nghiệp của người Việt Nam”(1).  Nhà báo Mỹ Nây Si-han nhận xét: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục một dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ - một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này cuối cùng bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Như vậy, thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”(2)

Ba là, công tác tư tưởng đã phát triển những giá trị văn hóa dân tộc, làm giàu thêm và sâu sắc thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày nay, để tìm lời giải vì sao Việt Nam đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh, lại chiến thắng một đế quốc hùng mạnh, hiếu chiến, giàu có như nước Mỹ, nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đã nhận ra rằng, văn hóa dân tộc Việt Nam chính là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng. Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của ông cha ta được bồi đắp qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời lại được tiếp thu những giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa văn hóa nhân loại, dân tộc Việt Nam đã làm nên những giá trị văn hóa mới, làm phong phú, làm giàu có thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đó là những giá trị văn hoá tinh thần phong phú, mà tiêu biểu là lòng yêu nước nồng nàn; anh hùng, bất khuất, dũng cảm, thông minh, sáng tạo; yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân nghĩa; có tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng đã để lại các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể ở nhiều lĩnh vực, rất đa dạng, phong phú, quý báu, như: Đường Hồ Chí Minh trên đất liền và trên biển, trận Điện Biên Phủ trên không, Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Củ Chi, địa đạo Vĩnh Linh... và nhất là tinh thần chiến đấu ngoan cường, bất khuất, hy sinh anh dũng của biết bao đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ ta trên các chiến trường, trong lao tù đế quốc, trong các phố phường, làng bản, tạo thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam sáng ngời, rộng khắp, “ra ngõ gặp anh hùng”.

Sáng15-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Trong ảnh: Đồng chí Lê Hồng Anh trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam).
Sáng15-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Trong ảnh: Đồng chí Lê Hồng Anh trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam).

3. Phát huy những giá trị quý báu, bài học kinh nghiệm sâu sắc trên mặt trận tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới

Công tác tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá, đó là: Kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đường lối kháng chiến đúng đắn; nghệ thuật quân sự tài tình. Nắm chắc thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, phân tích kỹ tình hình địch, ta, dự báo xu hướng, phát hiện vấn đề, chủ động giải quyết những vấn đề tư tưởng; huy động các lực lượng trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân làm công tác tư tưởng, dưới sự lãnh đạo thống nhất, trực tiếp và chặt chẽ của Đảng; nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn bó máu thịt với nhân dân; xây dựng đội quân cách mạng có lòng yêu nước nồng nàn, lý tưởng cao đẹp, có niềm tin tất thắng, có ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần quốc tế cao cả; xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng phù hợp với nhu cầu và điều kiện kháng chiến.

Đất nước ta đang đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ thuận lợi, đan xen với khó khăn, thách thức.  Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế và uy tín Việt Nam ngày càng tăng lên trên trường quốc tế. Cả nước đang ra sức thực hiện Cương lĩnh được bổ sung phát triển năm 2011 của Đảng, Hiến pháp năm 2013, tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Lĩnh vực công tác tư tưởng, qua 40 năm thống nhất đất nước, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng được củng cố và phát triển. Điều kiện, phương tiện, môi trường, nguồn lực làm công tác tư tưởng đã có những bước tiến vượt bậc. Mặt khác, yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác tư tưởng những đòi hỏi rất cao.

Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhận thức sâu sắc hơn giá trị lịch sử, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong cuộc kháng chiến, tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là dịp chúng ta ôn lại những thành tựu và kinh nghiệm trên mặt trận tư tưởng để vận dụng vào thực tiễn công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hôm nay. Là dịp để chúng ta thấm nhuần quan điểm: Công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nền tảng chính trị, tinh thần của chế độ ta, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng, phát huy những kinh nghiệm quý báu trong các giai đoạn cách mạng trước đây nói chung và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác tư tưởng, nhận thức đầy đủ hơn về tính tiền phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Trước mắt, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời tích cực triển khai đưa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các nghị quyết quan trọng khác của Trung ương, của Bộ Chính trị vào cuộc sống.

Phát huy truyền thống vẻ vang, kế thừa và phát triển sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu trong các giai đoạn cách mạng trước đây, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo, nguyện làm hết sức mình để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

(1) Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1976, tr.181.
(2) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đại thắng mùa xuân 1975 - nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Nxb Quân đội nhân dân, 1995, tr.8.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com