Ngày làm việc thứ mười một, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận ba dự án luật

07:06, 03/06/2013

Sáng ngày 31-5, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tiếp công dân và Dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

Không hành chính hóa hoạt động hòa giải

Trong phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở, các đại biểu đã thảo luận về dự án luật này.

Hầu hết ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật, nhằm luật hóa các quy định liên quan công tác hòa giải cơ sở và để công tác này đạt kết quả cao hơn. Nhiều ý kiến tán thành với quan điểm xây dựng luật theo hướng không điều chỉnh các hình thức hòa giải thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở mà quy định theo hướng Nhà nước khuyến khích các hoạt động này để tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hình thức hòa giải khác nhằm phát huy sức mạnh cũng như sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng với hoạt động này. Đối với việc bầu hay lựa chọn hòa giải viên, nhiều ý kiến đề nghị tránh hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và đơn giản thủ tục.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ về những trường hợp cần hòa giải, theo đó những trường hợp không phải xử lý hình sự, hành chính thì tiến hành hòa giải. Theo các đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), đối với các trường hợp có hành vi làm nhục người khác, vô ý làm tổn thương người khác thì không nên quy định cứng, nên linh hoạt để người dân được hòa giải nếu nạn nhân đồng thuận.

Nhiều đại biểu tán thành với quy định bầu hòa giải viên, vì hòa giải viên phải có uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt, được cộng đồng công nhận, được Chủ tịch UBND xã có quyết định công nhận. Tuy nhiên, các đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương), Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho rằng, nên lựa chọn hòa giải viên để linh hoạt, tránh hành chính hoạt động này vì hòa giải vốn là việc hoàn toàn tự nguyện. Một số đại biểu khác đề nghị, dự thảo Luật cần mở rộng đối tượng hòa giải viên, bổ sung thêm quy định các tổ chức đoàn thể cũng được phép thành lập tổ hòa giải nhằm tăng cường xã hội hóa công tác hòa giải.

Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tổ về Dự thảo Luật Tiếp công dân và Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (BV và KDTV). Đối với Dự thảo Luật Tiếp công dân, nhiều đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, nêu rõ việc tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Thời gian qua, công tác tiếp công dân của các cấp, các ngành và trụ sở tiếp công dân còn có những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp công dân.

Các đại biểu Lê Trọng Sang, Phạm Văn Gòn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời KNTC, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Vì thế nội dung trong dự thảo Luật cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác.

Chung quanh quy định cứng về định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, một số đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã chia ra nhiều mức quy định về thời gian định kỳ trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng chưa xác định rõ mục đích tiếp công dân của người đứng đầu. Nếu quy định cứng việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải dành một ngày hay một buổi trong một tháng để trực tiếp tiếp công dân là  không phù hợp thực tế, thiếu tính linh hoạt. Về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định các bộ trưởng và giám đốc các sở phụ trách các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng để giải quyết những thắc mắc của nhân dân.

Góp ý kiến đối với Dự án Luật BV và KDTV, theo ý kiến nhiều đại biểu, việc ban hành luật này góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp.

Nhiều đại biểu quan tâm nội dung liên quan công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật và đồng tình với quy định như dự thảo Luật về tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc BVTV Việt Nam để quản lý chặt chẽ đối tượng đăng ký thuốc BVTV. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh tác hại to lớn và nghiêm trọng của việc sử dụng phi pháp thuốc BVTV trong cộng đồng, sẽ gây tai họa đối với sức khỏe của nhân dân, có thể so sánh với tệ nạn ma túy. Vì vậy, việc mua bán, sử dụng, tích trữ trái phép thuốc BVTV gây hậu quả nghiêm trọng nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự, qua đó trừng trị nghiêm khắc và ngăn chặn những sự việc đáng tiếc.

Thứ bảy, ngày 1-6-2013, đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu.

Chủ nhật, ngày 2-6-2013, Quốc hội nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 3-6-2013, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com