Tư tưởng Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam

05:06, 21/06/2013

Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Người để lại kho tàng báo chí đồ sộ với hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Từ thực tiễn cách mạng và hoạt động báo chí, Người có những tư tưởng, quan điểm toàn diện và sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ, tính chất của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; về nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm báo; về đạo đức báo chí và phong cách làm báo, viết báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.

Các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính quần chúng rất cao. Khi cầm bút, Người luôn đặt câu hỏi: Vì ai mà mình viết? Viết với mục đích gì? Người đã đề cập vấn đề này tại Trường Đảng Trung ương ngày 17-8-1952. Bảy năm sau vào năm 1959, tại Đại hội Nhà báo lần thứ II, Bác đã khẳng định: Viết báo là để chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập và Chủ nghĩa xã hội. Người luôn chú ý đến đối tượng báo chí phục vụ, nhất là đối với quần chúng lao động. Bác Hồ luôn căn dặn người làm báo khi viết:

- Thứ nhất, phải “ngắn gọn”. Theo Người ngắn gọn không có nghĩa là cộc lốc mà ngắn gọn là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía và chắc chắn.

- Thứ hai, ngôn ngữ phải: “trong sáng - giản dị - dễ hiểu”. Và để làm được điều này, trước hết nhà báo phải học cách nói của quần chúng, để cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những am hiểu về ngôn ngữ của nhiều dân tộc mà còn là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Người luôn đề cao: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao”.

Với quan điểm báo chí cách mạng là một mặt trận của cách mạng, Bác Hồ đã dạy: những người làm báo trước hết phải là người cán bộ cách mạng, phải biết gắn cuộc đời mình với dân tộc, với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trang giấy, cây bút là vũ khí sắc bén của người làm báo cách mạng. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác đã căn dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Theo Bác, người làm báo phải có lập trường chính trị vững vàng, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng được. Muốn vậy, người làm báo cách mạng luôn không ngừng phải học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tác phong đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó.

Chính những quan điểm trên mà cách viết của Người rất độc đáo, sinh động. Người thường viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo. Chữ ít, nhưng ý sâu, so sánh rất cụ thể, lập luận sắc bén chặt chẽ và kết luận chính xác. Từ đó, những vấn đề dù lớn đến mấy, phức tạp và trừu tượng đến mấy, nhưng qua bài viết của Người bằng lối hành văn trong sáng, từ ngữ chọn lọc tinh tế đã dẫn dắt người đọc dễ hiểu và có sức thuyết phục cao. Theo Bác, viết là để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu, nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ có phóng đại, có thế nào, nói thế ấy. Bộ đội, nhân dân ta có nhiều cái hay để nêu lên, không phải bịa đặt ra.

Tác nghiệp
Tác nghiệp

Ngày nay đọc lại những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở, dặn dò các thế hệ làm báo về những vấn đề liên quan đến đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và chúng ta thấy nó không chỉ còn nguyên giá trị mà còn ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc. Bởi, hôm nay phần lớn báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu và các tệ nạn xã hội; chống diễn biến hoà bình... có những đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của đất nước.

Tìm hiểu về ngày 21-6-1925 - ngày ra đời của báo “Thanh niên” do Bác Hồ sáng lập, một nhà báo phát hiện một chi tiết thú vị: Đó là ngày Chủ nhật, nhằm ngày Hạ chí. Theo lịch Trung Quốc cổ đại, Hạ chí là tiết khí khởi đầu từ điểm giữa của mùa hè, thời điểm mà mặt trời lên tới điểm cao nhất về phía bắc trên bầu trời. 21-6 là một trong hai thời điểm trái đất ở xa mặt trời nhất trên vòng elip của nó - điểm kia vào đông chí 21-12. Hạ chí là ngày dài nhất trong năm ở bắc bán cầu. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao “Thanh niên” - tờ báo tuần lại khởi đầu vào ngày 21 (mà không là ngày đầu tháng hay giữa tháng) và lại đúng vào ngày Chủ nhật (ngày nghỉ)? Phải chăng Bác Hồ chọn ngày và mong muốn báo “Thanh niên” có một viễn cảnh dài lâu, sáng sủa và tràn trề sức sống như ngày Hạ chí?

Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên mở đầu cho việc hình thành dòng báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là báo Thanh niên mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…

Ngày 2-6-1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7-1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Tháng 2-1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52 ngày 5-2-1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21-6-1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21-6-1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Đây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 21-6-2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam./.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, chạy theo thị hiếu của người đọc, phản ánh quá nhiều mảng đen của xã hội, không định hướng được dư luận. Cũng không ít cơ quan báo chí và bản thân nhà báo trong hoạt động của mình đã mắc phải sai lầm, đánh mất đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, đi ngược lại tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về báo chí và người làm báo.

Vì vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ những người làm báo hiện nay là hết sức cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc. Hệ thống những quan điểm, đạo đức và tác phong làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phong phú, sinh động. Nhưng chung quy lại có thể cô đọng một số đức tính quan trọng mà người làm báo phải luôn tâm niệm và tu dưỡng rèn luyện để tự “quản mình” trước mọi cám dỗ có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Đó là phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, sống trung thực, kính trọng và chan hoà với quần chúng nhân dân, có ý thức phê bình và tiếp thu phê bình, có tinh thần học hỏi để không ngừng vươn lên.

Đặc biệt là chống thói ba hoa, cầu kỳ, cẩu thả, ỷ lại, lười biếng, tự phụ và luôn đề cao chữ “tâm” và “tầm” trong nghiệp vụ báo chí; phải có tâm huyết, có trách nhiệm và lương tâm với nghề nghiệp; luôn sửa mình, khắc phục những thiếu sót để vươn lên, phấn đấu trở thành một nhà báo chân chính, xứng đáng với thế hệ con cháu nối tiếp sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Ngày nay, đất nước đã hoà bình độc lập, báo chí không còn phải hoạt động bí mật, mà là hoạt động công khai, tự do; Mặt trận của những người làm báo hôm nay nhằm phát huy những cái hay, cái đẹp và đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực trong xã hội để góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và phát triển kinh tế. Đội ngũ những người làm báo ngày càng được tôi luyện, đào tạo chính quy, hiện đại cả về chất và lượng. Các tác phẩm báo chí đã tập trung phản ánh các phong trào xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới; phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đoàn kết chống lại các luận điệu sai trái và những âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động luôn tìm cách phá hoại sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với trang giấy, ngòi bút của mình, đội ngũ những người làm báo cần cổ vũ những nhân tố mới, khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, đồng thời tích cực đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, chống các bệnh quan liêu, tham nhũng, cơ hội, thực dụng, các tệ nạn xã hội. Luôn nêu cao tinh thần chiến đấu vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, giữ vững phẩm chất, đạo đức của những người làm báo, có tính chủ động, sáng tạo thể hiện qua các tác phẩm báo chí để góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội.

Nhân kỷ niệm 88 năm, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2013) trong bài viết này, tôi muốn nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình, gửi gắm những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng đến tất cả đội ngũ những người làm báo hôm nay cần phải có một đạo đức phẩm chất cách mạng trong sáng, tác phong nhanh nhẹn của người làm báo, thông tin đưa cần phải sự thật, khách quan. Có làm được như vậy là đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và đồng thời cũng mong sao mỗi tác phẩm báo chí là một món quà, là liều thuốc bổ đối với mọi người, mọi nhà, được mọi người đón nhận, tiếp thu và sử dụng nó một cách có hiệu quả nhất./.

Nguyễn Đăng Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com