Kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tại kỳ họp

08:06, 29/06/2013

Như tin đã đưa, trong các ngày từ 20-5 đến 21-6-2013, tại Hà Nội, đã diễn ra kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII. Sau một tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Tại kỳ họp này, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của người đại biểu dân cử trên các lĩnh vực quan trọng của đất nước.

Về kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cho biết: Trong một tháng làm việc, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Về kinh tế - xã hội, Quốc hội đã xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành những tháng còn lại của năm 2013; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011. Với các giải pháp phấn đấu quyết liệt, kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2012 đạt 743.190 tỷ đồng, bằng 100,4% dự toán, tăng 2.690 tỷ đồng so dự toán. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2012 đạt 905.790 tỷ đồng, bằng 100,3% dự toán, tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán. Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2012 được đảm bảo ở mức Quốc hội quyết định là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP kế hoạch, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2013: tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 244.100 tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng chi ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 303.400 tỷ đồng, bằng 31% dự toán, bội chi ngân sách Nhà nước 4 tháng ước 59.300 tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng gần đây, Chính phủ xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Về công tác xây dựng luật, Quốc hội đã xem xét, thông qua 9 dự án Luật, cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 8 dự án Luật khác, trong đó có những dự án Luật được nhân dân cả nước quan tâm như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh, Luật Việc làm… Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua 8 Nghị quyết, trong đó có: Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2014; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; Nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…

Về hoạt động giám sát, sau khi nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”; các báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội. Quốc hội đã dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp, có 197 chất vấn của 89 đại biểu Quốc hội ở 47 Đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở tập hợp các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội; những vấn đề bức xúc được dư luận và cử tri quan tâm, Quốc hội đã quyết định 4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn, cụ thể là: Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH; Viện trưởng VKSND tối cao. Trong quá trình trả lời chất vấn, 7 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành; Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giải trình thêm một số nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo, giải trình thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Kết thúc hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ, của các Bộ trưởng trong triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; đã cùng với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và đồng bào, cử tri cả nước phấn đấu nỗ lực vượt qua những khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực trong giai đoạn khó khăn chung. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề đã hứa trước Quốc hội và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ để thực hiện nhiệm vụ mới; miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Đinh Tiến Dũng và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính; bầu ông Nguyễn Hữu Vạn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Một nội dung quan trọng trong kỳ họp lần này được cử tri quan tâm theo dõi đó là lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47/49 chức danh người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Có hai người giữ chức vụ (Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính) do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này nên theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13 không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được chuẩn bị và triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu được công bố công khai để nhân dân theo dõi, giám sát. Quốc hội cũng đã mời đại diện của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong toàn quốc tham dự, nghiên cứu để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp HĐND ở các địa phương theo quy định. Cũng tại kỳ họp, một nội dung quan trọng được Quốc hội thảo luận đóng góp ý kiến là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là những nội dung đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai rộng rãi lấy ý kiến nhân dân và đã được Ban soạn thảo xem xét, thảo luận kỹ tiếp thu ý kiến nhân dân để chỉnh lý Dự thảo. Tại các phiên thảo luận tại tổ và trên hội trường, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về tất cả các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cả về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến. Đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, rất dễ phát sinh tranh chấp, nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua, đòi hỏi cần có thời gian chuẩn bị chu đáo và toàn diện hơn, do đó Quốc hội đã thống nhất Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thông qua tại kỳ họp lần này và để thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tại kỳ họp, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh khẳng định: Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã có nhiều cố gắng để hoàn thành tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong việc tham gia vào những nội dung của kỳ họp. Các đại biểu đều dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu để có những ý kiến sâu sắc phát biểu trong các phiên thảo luận tại hội trường, cũng như tại các buổi thảo luận tổ, giúp cho việc biểu quyết, thông qua các Nghị quyết và các dự án Luật đạt chất lượng cao. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cũng tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, tham dự các phiên họp theo quy định, tham gia vào việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn… Cụ thể tại kỳ họp này, đã có 31 lượt đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tham gia ý kiến phát biểu tại các phiên thảo luận tổ; 14 lượt đại biểu tham gia ý kiến phát biểu tại hội trường. Trong kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định là một trong những Đoàn có nhiều ý kiến phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, tại kỳ họp lần này, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã nhận được ý kiến trả lời của 12 bộ, ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội trả lời xung quanh 27 vấn đề đối với các kiến nghị mà cử tri trong tỉnh đã nêu từ kỳ họp trước. Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII, khai mạc vào đầu tháng 7-2013, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh sẽ gửi toàn bộ các ý kiến trả lời này cho các sở, ban, ngành và các địa phương để thông báo tới cử tri trong tỉnh./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com