Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

07:05, 24/05/2013

* Quốc hội xem xét công tác nhân sự

Ngày 22-5, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ ba. QH dành trọn một ngày để các đại biểu thảo luận tại tổ báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Kinh tế có bước phát triển nhưng chưa tương xứng

Phần lớn ý kiến phát biểu đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành và thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Theo các đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) trong nhiều năm qua, nền kinh tế của chúng ta đều tăng trưởng ở mức từ 7% đến 8% và chỉ tăng trưởng mức này mới bảo đảm mục tiêu giải quyết được các vấn đề xã hội. Do vậy, mức tăng trưởng hơn 5% như hiện nay là thấp và có nguy cơ ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại hội trường.

Đề cập các chính sách điều hành tài chính, tiền tệ, nhiều ý kiến cho rằng, với nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ, thời gian gần đây lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh, xuống khoảng 8%/năm, nhưng khó khăn hiện nay là dù lãi suất hạ nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi đây là nhóm doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các hàng hóa, dịch vụ bảo đảm ổn định đời sống. Do vậy, bên cạnh những biện pháp hạ lãi suất tín dụng, cần có cơ chế thông thoáng hơn trong việc cho vay vốn phát triển sản xuất. Liên quan đến các chính sách bảo đảm cán cân thương mại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, xuất siêu là một tín hiệu tốt, tuy nhiên việc nền kinh tế chuyển nhanh từ trạng thái nhập siêu lớn trong nhiều năm sang xuất siêu trong khi cơ cấu giữa các khu vực kinh tế, cơ cấu ngành hàng và cơ cấu thị trường chưa được cải thiện nhiều, điều đó chưa hẳn là dấu hiệu tích cực hoàn toàn và chưa mang tính bền vững mà phản ánh một phần thực trạng đáng lo ngại là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang bị suy yếu, sản xuất vẫn chưa phục hồi.

Nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc ổn định thị trường vàng, thị trường bất động sản cũng như kiểm soát hiệu quả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội

Bên cạnh những giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế, nhiều đại biểu thẳng thắn đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Các đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Dương), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, lĩnh vực an sinh xã hội đang nổi lên nhiều vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến lĩnh vực giáo dục phổ thông và mầm non, chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa, vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục, song báo cáo của Chính phủ đưa ra còn quá sơ sài, chưa đạt yêu cầu. Thực tế, hiện nay số hộ nghèo đang giảm dần nhưng rất chậm và đời sống của các hộ đã thoát nghèo cũng vẫn ở mức rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với mức sống chung của toàn xã hội. Do vậy, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, lâu dài nhằm bảo đảm các hộ thoát nghèo bền vững và có đời sống ổn định hơn.

Đề cập công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần khẩn trương cải tiến hơn nữa chế độ khám, chữa bệnh và chính sách bảo hiểm y tế. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), căn cứ chính sách bảo hiểm y tế, người dân đi khám, chữa bệnh phải theo đúng tuyến, từ cấp cơ sở lên. Nhưng hiện nay các cơ sở y tế cấp dưới chất lượng không bảo đảm, người dân không yên tâm. Điều này cho thấy, bất cập hiện nay trong chính sách bảo hiểm y tế là do cơ sở hạ tầng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở còn hạn chế, chứ không phải chỉ do ý thức của người dân. Nhiều đại biểu đề nghị, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, xây mới các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở và coi đây là giải pháp trọng tâm nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Một số đại biểu đề nghị, trong bối cảnh thị trường bất động sản "đóng băng" như hiện nay, Chính phủ cần nghiên cứu mua lại những dự án nhà ở cao tầng có điều kiện phù hợp để làm bệnh viện, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Cùng với những vấn đề nói trên, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp hơn nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; công tác cải cách hành chính, vấn đề nợ công.

Trong ngày làm việc thứ tư của kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII, hôm qua ngày 23-5, các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp, các đại biểu QH thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ; sau đó, tiến hành xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.

Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cũng sẽ trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH.

Theo chương trình kỳ họp, từ 9h sáng và toàn bộ phiên làm việc chiều hôm qua 23-5, buổi sáng và một phần buổi chiều 24-5, một phần buổi sáng 25-5 QH sẽ xem xét công tác nhân sự./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com