Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Tài chính và bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước; Thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)

07:05, 27/05/2013

Ngày 24-5, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ năm.

Buổi sáng, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính và nghe Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Đinh Tiến Dũng. Trên cơ sở đó, QH đã tiến hành bỏ phiếu về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Đinh Tiến Dũng và thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Đinh Tiến Dũng.

Cũng trong phiên họp sáng 24-5, QH đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính và thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính.

Cuối giờ sáng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH đọc Tờ trình giới thiệu ông Nguyễn Hữu Vạn để bầu nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trong phiên họp buổi chiều 24-5, QH nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, QH tiến hành bỏ phiếu bầu chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Nguyễn Hữu Vạn.

Căn cứ Điều 84 Luật Tổ chức QH, và Điều 31 Nội quy kỳ họp QH, ông Nguyễn Hữu Vạn đã được QH bầu giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Cũng trong chiều 24-5, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc của luật hiện hành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền về tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các quy định trong dự án luật chưa bao quát toàn diện các vấn đề trong công tác quản lý cư trú, chưa tương xứng với yêu cầu, mục đích, quan điểm đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH, đa số đại biểu tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh cần nghiên cứu tổng thể những chính sách cần thể chế hóa bằng pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết, xây dựng hồ sơ để kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH, QH đưa vào Chương trình khi đã có đủ điều kiện, tránh tình trạng phải điều chỉnh nhiều lần như thời gian vừa qua.

Sáng 25-5, QH làm việc tại hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Báo cáo thẩm tra dự án này, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011.

Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH nghe Bộ trưởng KH và ĐT Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, Khoản 2, Điều 170 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang tổ chức quản lý, hoạt động theo Luật ĐTNN tại Việt Nam được quyền chọn đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn hai năm kể từ ngày 1-7-2006 hoặc không đăng ký lại. Trong trường hợp không đăng ký lại thì doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến ngày 1-7-2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn ĐTNN thì có 2.916 doanh nghiệp đã đăng ký lại, theo quy định của điểm a, khoản 2, Điều 170; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại theo quy định của điểm b, khoản 2 của điều luật này. Các doanh nghiệp này có tổng số vốn đăng ký là 18,5 tỷ USD, số lao động sử dụng 446.000 người. Đến nay, có một số doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động quy định tại Giấy phép đầu tư nhưng muốn đăng ký lại để tiếp tục hoạt động; một số doanh nghiệp còn thời hạn hoạt động được ghi trong Giấy phép đầu tư nhưng muốn được bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và NSNN. Việc sửa đổi này cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn ĐTNN chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2, Điều 170 Luật Doanh nghiệp theo hướng sau: Bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn ĐTNN để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế của QH tán thành về nội dung sửa đổi theo đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, về thực hiện nghĩa vụ thuế...), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút ĐTNN của Nhà nước Việt Nam.

Trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã thảo luận ở hội trường về quyết toán NSNN năm 2011. Theo Báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2011 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Tổng số thu cân đối NSNN năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN). Trong đó, thu theo dự toán QH giao năm 2011 là 721.804 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%). Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành thuế, hải quan. Tuy nhiên, thu NSNN tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế. Việc lập dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2011 chưa sát thực tế (dự toán năm 2011 là 42.000 tỷ đồng, thực hiện hoàn thuế là 61.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ đồng). Mặc dù tăng thu xuất nhập khẩu 17.065 tỷ đồng nhưng vẫn để nợ số chi hoàn thuế GTGT chưa có nguồn thanh toán lên tới 14.532 tỷ đồng, tạo thêm áp lực mất cân đối ngân sách những năm sau. Trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, nhưng tổng chi cân đối NSNN vẫn tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng). Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát cho thấy, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình, hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN. Chi cho một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu phát triển chung về kinh tế - xã hội.

Phát biểu ý kiến về những nội dung này, nhiều đại biểu QH nhất trí Báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2011 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đồng thời bày tỏ quan tâm về những hạn chế, bất cập, đáng chú ý là: Đầu tư dàn trải, không hiệu quả; còn nhiều vi phạm trong chi NSNN; các lĩnh vực quan trọng không đạt mục tiêu đề ra...

Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc buổi sáng 25-5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tiếp thu các ý kiến góp ý, đồng thời thông tin và trao đổi rõ hơn một số vấn đề được các đại biểu QH quan tâm. Trong đó, chi NSNN chưa đạt mục tiêu ở một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia là do một số chính sách, cơ chế được ban hành chậm. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011 cao. Bên cạnh đó, một số chương trình mục tiêu quốc gia được tổng kết, rà soát nên việc giao dự toán không kịp thời...

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Phát biểu ý kiến góp ý về dự thảo luật này, nhiều đại biểu QH nhất trí với những giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời nêu rõ, nhiều ý kiến góp ý trước đó của các đại biểu QH đã được Ban soạn thảo tiếp nhận và chỉnh lý đầy đủ. Các đại biểu QH cũng tiếp tục góp ý vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Buổi chiều ngày 25-5 và chủ nhật 26-5, QH nghỉ làm việc./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com