Đảng và mùa xuân dân tộc!

07:02, 02/02/2013

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời!

83 năm đã qua, Đảng vĩ đại, anh hùng đã gắn bó với nhân dân làm nên Mùa Xuân đất nước.

83 năm dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã viết thêm vào lịch sử dân tộc những trang hào hùng nhất, rực rỡ nhất của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc hành quân thế kỷ ấy, nhân dân ta đã phải trải qua 30 năm chiến đấu gian khổ, đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình, để hôm nay đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội và hoà nhập cùng thế giới. Câu nói ngắn gọn ấy, nhưng là mục tiêu vĩ đại, là con đường quang vinh mà gần thế kỷ qua dân tộc ta dưới ngọn cờ đại đoàn kết của Đảng đã tiến lên giành nhiều thắng lợi.

Những con người và những sự kiện lớn, càng lớn lên với khoảng cách thời gian. Lịch sử diễn ra và tiến về phía trước, càng làm nổi bật tầm cao và chiều sâu của sự nghiệp vĩ đại mà Đảng cùng với nhân dân ta đã thực hiện.

Biết bao Mùa Xuân đã trôi qua, nhưng một Mùa Xuân thực sự, một Mùa Xuân khởi đầu, đặt nền móng cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay lại chính là Mùa Xuân thành lập Đảng - Mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930. Hôm nay nhớ lại thời dựng Đảng, chúng ta càng thấy Đảng ta thật là vĩ đại.

Cuối năm 1929, nhận được liên lạc của Đảng, Bác Hồ của chúng ta đã từ một vùng quê ở Thái Lan, đáp xe lửa đi Băng Cốc, rồi từ đó đi tàu thuỷ đến Singapo. Tại đây Người chuyển sang một con tàu khác đi Hồng Công. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã ra tận cảng biển đón Bác. Và Bác đã quyết định họp Hội nghị thành lập Đảng vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày Tết lớn nhất trong năm và thường kéo dài nhiều ngày liền. Đó chính là dịp để những đại biểu tham gia Hội nghị có thể đi khỏi đất nước mà không ai để ý. Còn ở Cửu Long thì một cuộc họp mặt như vậy cũng sẽ có nhiều thuận lợi.

Mãi mãi niềm tin theo Đảng.
Mãi mãi niềm tin theo Đảng.

Và thế là ngày 3-2-1930, đúng ngày mồng 5 Tết Canh Ngọ, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Cửu Long (Trung Quốc) dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đảng ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Cách mạng Việt Nam. Ngày 7-2-1930 ngày cuối cùng của Hội nghị, Bác Hồ tổ chức một bữa liên hoan nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn, Người xúc động nói:

"Các đồng chí, hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lê-nin vĩ đại đã nói, chỉ có đảng nào có được một lý luận tiền phong mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ, chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm ấy, Nhân dân ta thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này, và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt Nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành Độc lập, Tự do cho Tổ quốc thân yêu".

Như vậy là ngay trong những ngày đầu tiên thành lập Đảng, trong lời phát biểu ngắn gọn ấy, Bác đã ba lần nhắc đến nhân dân ta.

Năm 1960, kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

"Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người Cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại… Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác".

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng là trí tuệ, là phẩm chất của cả dân tộc, kế thừa tinh hoa của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Sức mạnh của Đảng chính là sự gắn bó máu thịt với nhân dân, là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Và Bác Hồ đã nói: "Nhiệm vụ của Đảng ta có thể nói gọn trong 8 chữ: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Và chính Người là đỉnh cao của đạo đức và văn minh đó. Người là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ thân thiết, gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân, và Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên ta phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân.

Liên hệ và gắn bó chặt chẽ với nhân dân, là điều Bác Hồ đã nói với chúng ta rất nhiều lần. Bác đã nhiều lần nhấn mạnh:

“Đảng phải liên hệ với quần chúng như chân tay ruột thịt… Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân. Học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”.

Chưa ở đâu mà tình cảm giữa lãnh tụ với quần chúng lại thân thiết, gần gũi và được kính trọng, tin tưởng như Hồ Chủ tịch với nhân dân ta. Một nhà văn nước ngoài đã viết: “Bác Hồ - cách xưng hô quen thuộc của Việt Nam, chứa đựng cả sự kính trọng sâu sắc và sự ngưỡng mộ của cả một dân tộc đối với một người cha. Không có một từ nào có thể diễn tả được một cách trong sáng và đẹp đẽ như hai tiếng đó!”.

Hồ Chủ tịch nói: Dân là gốc của nước, Dân là gốc của cách mạng, do đó Dân cũng là người tham gia xây dựng Đảng.

"Gốc có vững cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân"

Người nói thế, và suốt đời Người luôn luôn gương mẫu làm đúng, làm hơn cả những điều mình nói… Người luôn luôn đặt đời sống của mình trong đời sống của nhân dân. Trong Di chúc của mình, Người dặn dò: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Trong bản Di chúc của mình, Bác đã 17 lần nhắc đến chữ "Nhân dân". Và trong Di chúc của Người những chữ "Nhân dân" Bác đều gạch dưới.

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân kể lại, hồi còn làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, một lần vào làm việc với Bác, đồng chí đã đề nghị Bác cho xây dựng trụ sở của Trung ương Đảng tại Hà Nội cho có bề thế.

Bác im lặng, rồi trả lời:

- Trụ sở bề thế của Đảng ta, phải xây dựng ở trong lòng dân ấy, chú ạ!

*

Một nhà văn lớn đã nói: "Lịch sử không đơn thuần là chiếc cầu thang thuận tiện hướng thẳng tới tương lai. Và con đường của nhân loại ít khi chạy trên con đường bằng, mà thường là vắt qua những núi non hiểm trở". Cách mạng Việt Nam cũng thế, cũng đã từng trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhưng Bác Hồ đã viết: Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy đúng hướng. Trong mỗi bước gian lao đó, có Đảng sáng suốt dẫn đường, dân tộc ta đã đoàn kết tiến lên giành thắng lợi.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp đổi mới của nước ta đã được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực. Việt Nam đã hội nhập với thế giới, trong nước thì chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển, an sinh xã hội được chăm lo, quốc phòng và an ninh được tăng cường, chủ quyền và lãnh thổ được giữ vững.

Mùa xuân này, mỗi người Việt Nam trong cuộc sống mới của mình, ai cũng có thể trực tiếp cảm nhận thấy những gì mà Đảng đã đem lại cho gia đình mình, cho đất nước mình, và cho mỗi người chúng ta.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

"Ngày biết Đảng, mắt ta còn ngơ ngác
Mà nay dưới chân mình,
một thế giới đã đi qua
Ai ngờ ngọn cờ búa liềm trên
những cành đa
Màu son ấy thổi dậy hồn non nước
Rồi ta sống những năm dài hạnh phúc
Mà trống đồng nhịp với giọng thơ ta!"

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

"Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Trong đoạn văn ngắn này, Bác Hồ đã viết bốn chữ Thật: Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mùa Xuân này, đọc lại những lời căn dặn của Bác, chúng ta càng thấm thía và suy nghĩ về những chữ Thật ấy của Bác!

Đảng ta thành lập đúng vào ngày 5 Tết Canh Ngọ năm 1930!

Ra đời vào Mùa Xuân. Và Đảng đã cùng với nhân dân ta làm nên Mùa Xuân đất nước.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và công cuộc Xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng càng làm cho chúng ta thêm tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta./.

Thanh Bình



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com