Góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Thiết lập định chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta

07:01, 30/01/2013

Việc thiết lập định chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta hiện nay rất cần được nghiên cứu và thành lập một Ủy ban Hiến pháp hoặc Tòa án Hiến pháp như là một cơ quan chuyên trách về giám sát và bảo vệ Hiến pháp. Hiến pháp có một vị trí đặc biệt, cần thiết và quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và mọi lĩnh vực khác. Với vị trí đó, việc bảo vệ Hiến pháp là một đòi hỏi tất yếu của hầu hết các quốc gia nhằm giữ gìn trật tự đất nước, trật tự đối nội và đối ngoại, bảo vệ sự tồn vong của quốc gia.

Mỗi quốc gia có một cơ chế bảo hiến khác nhau xuất phát từ lịch sử và quá trình phát triển Nhà nước, phát triển xã hội của đất nước mình.

Ở Mỹ, cơ chế bảo hiến của họ dựa triệt để vào sự phân chia quyền lực, thực hiện thuyết 3 quyền phân lập; quyền lập pháp hạn chế quyền hành pháp, quyền hành pháp hạn chế quyền tư pháp, quyền tư pháp hạn chế quyền lập pháp và quyền hành pháp. Cơ quan Tòa án Mỹ không những xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của các công dân mà còn có quyền kiểm soát, hạn chế quyền lực của cơ quan lập pháp và hành pháp, kiểm soát và xét xử hành vi vi hiến của nguyên thủ quốc gia và các chức danh cấp cao nhất của bộ máy Nhà nước. Khi phát hiện một văn luật của cơ quan lập pháp hoặc một văn bản của cơ quan hành pháp (Chính phủ) có những điều khoản vi hiến thì Tòa án tối cao Liên bang Mỹ sẽ đưa ra xem xét trước Hội đồng thẩm phán tối cao.

Ở Cộng hòa Liên bang Đức, Tòa án Hiến pháp là một toà án thực hiện chức năng xem xét các hành vi vi hiến của tất cả các cơ quan cấp cao nhất trong bộ máy Nhà nước. Tòa án Hiến pháp liên bang (LB) là một tòa án trong hệ thống tòa án LB nhưng có vị trí độc lập, không phụ thuộc vào Quốc hội, Chính phủ hay Tòa án LB. Tòa án Hiến pháp LB có 16 thẩm phán. 8 thẩm phán do Quốc hội bầu ra, nửa còn lại do Hội đồng LB bầu, không được kiêm nhiệm tại Quốc hội LB, Hội đồng LB, Chính phủ LB hay tại Quốc hội, Hội đồng, Chính phủ các tiểu bang.

Nhiệm kỳ của thẩm phán Tòa án LB là 12 năm, không được tái nhiệm. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp LB chỉ làm việc tại Tòa án Hiến pháp LB không làm việc khác như giảng dạy luật ở các trường Đại học hoặc tham gia biên tập các đạo luật. Tòa án Hiến pháp LB Đức được tổ chức thành 2 tòa, mỗi tòa đều có tên gọi là Tòa án Hiến pháp CHLB Đức và có vị trí, độc lập. Một tòa xử các vụ việc liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, một tòa xử các vụ việc trong bộ máy nhà nước. Thẩm quyền Tòa án Hiến pháp LB Đức bao gồm Phán quyết về phạm vi quyền hạn của Quốc hội LB, Chính phủ LB và các cơ quan khác; Phán quyết về quyền và nghĩa vụ giữa LB với các bang; Phán quyết đối với các tranh chấp về công pháp giữa LB với các bang, giữa các bang hoặc trong một bang - giám sát tính hợp hiến của các đạo Luật LB và các đạo luật của các bang; Giám sát các điều ước quốc tế; Giải thích Hiến pháp; Xử lý các khiếu kiện Hiến pháp; Tham gia buộc tội các quan chức cao cấp; Xác định tính hợp hiến, hợp pháp các cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống, Phó Tổng thống, các cuộc  trưng cầu ý dân; Xác định tính hợp pháp hoạt động các đảng phái, có quyền giải tán các đảng; Xem xét hành vi của Tổng thống, Thẩm phán Tòa án tối cao.

Tòa án Hiến pháp có ngân sách riêng, độc lập, tự quản lý ngân sách đó - Ngân sách được thông qua mỗi dạng 1 đạo luật.

Ở Cộng hòa Pháp, cơ chế bảo hiến được ghi nhận từ Hiến pháp 1799, thế kỷ thứ 18. Năm 1946 Ủy ban giám sát Hiến pháp được thành lập gồm Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện và 10 thành viên. Chủ tịch Ủy ban giám sát Hiến pháp là Tổng thống. Đến Hiến pháp 1958, đã thành lập Hội đồng bảo hiến thay thế Ủy ban giám sát Hiến pháp. Hội đồng bảo hiến có quyền và nhiệm vụ bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lập pháp về quyền hành pháp, bảo đảm cho các bộ phận quyền lực hoạt động trong phạm vi thẩm quyền, hạn chế sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan hành pháp, sự chuyên quyền của cơ quan lập pháp phân định ranh giới quyền lực khi xảy ra tranh chấp. Hội đồng bảo hiến gồm 9 thành viên là Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, mỗi người được bổ nhiệm thêm 2 thành viên. Tổng thống bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trong số thành viên mà Tổng thống bổ nhiệm. Các cựu Tổng thống là thành viên đương nhiên của Hội đồng bảo hiến. Thành viên hội đồng Bảo hiến không được đồng thời là thành viên Chính phủ, Quốc hội, Nghị viện châu Âu, hoặc lãnh đạo các đảng phái chính trị…

Ở Nhật Bản, nước Nhật là 1 vương quốc, có Nhật hoàng (vua) là nguyên thủ quốc gia, Hiến pháp được ban hành vào năm 1946, thời kỳ Nhật thua trận (đại chiến thế giới lần thứ hai). Để xác lập sự chiếm đóng của Mỹ trên lãnh thổ Nhật nên Hiến pháp Nhật Bản ảnh hưởng nhiều Hiến pháp Mỹ, cơ chế bảo hiến của quốc gia này theo mô hình của Mỹ.

Cơ chế bảo hiến của Mỹ dựa vào nguyên tắc cơ bản là cơ quan tư pháp (Hội đồng thẩm phán tối cao) có thẩm quyền xét xử những quy định vi hiến của các đạo luật, quyền xét xử hoạt động lập pháp, xem xét hoạt động của Quốc hội về ban hành các đạo luật, đồng thời xét xử những quy định vi hiến của các sắc lệnh, nghị định, xem xét hoạt động hành pháp của Chính phủ trong việc ban hành văn bản. Điều khác biệt giữa Mỹ và Nhật là 1 bên tổ chức theo chế độ Cộng hòa Tổng thống, 1 bên theo chế độ vương quốc. Nhật Hoàng không tham gia vào hoạt động lập pháp, đó là việc của Thủ tướng Nhật Bản. Ở Mỹ, Hội đồng thẩm phán tối cao có quyền xem xét các đạo luật của nghị viện, sắc lệnh của Tổng thống xem có vi hiến hay không. Ở Nhật cơ quan bảo hiến chỉ xem xét hành vi vi hiến của Thủ tướng Nhật Bản.

Ở Việt Nam, Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 đều quy định về thẩm quyền giám sát và bảo vệ Hiến pháp. Quyền này được giao cho nhiều cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nước ta không có một cơ quan chuyên trách riêng về giám sát và bảo vệ Hiến pháp mà thẩm quyền giám sát và bảo vệ Hiến pháp thuộc về: Quốc hội có quyền bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội (điều 84 Hiến pháp 1992); Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền đình chỉ việc thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội hủy bỏ các văn bản đó. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền hủy bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trái với Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (điều 91 Hiến pháp 1992); Chính phủ còn có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, những quyết định chỉ thị của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên.

Chính phủ có quyền đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét (điều 112 Hiến pháp 1992).

Vì sự phân công cho nhiều cơ quan thực hiện quyền giám sát và bảo vệ Hiến pháp nên hiệu quả không nhiều, hiệu lực chưa cao. Với việc sửa đổi Hiến pháp lần này, chúng ta có điều kiện lập ra một cơ quan chuyên trách, hoạt động tập trung vào việc giám sát và bảo vệ Hiến pháp./.

Theo daidoanket.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com