Nhớ một thời Điện Biên

08:05, 07/05/2012

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn đằm sâu trong tâm trí Đại tá CCB Đỗ Xuân Dung, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

CCB Đỗ Xuân Dung, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) (bên trái) ôn lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
CCB Đỗ Xuân Dung, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) (bên trái) ôn lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1947, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bác Đỗ Xuân Dung xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 34 Tất Thắng, sau thời gian làm việc ở trạm sửa chữa súng của Trung đoàn, bác được điều chuyển về Sở Quân giới. Đến tháng 3-1953, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết định, bác được điều chuyển về Đại đội Công binh thuộc Sư đoàn 351. Cuối năm 1953, đơn vị bác đang đóng quân ở Tuyên Quang thì được lệnh hành quân lên Điện Biên với nhiệm vụ đảm bảo cầu đường cho xe, pháo đi qua. Sau gần 1 tháng trèo đèo, vượt suối, vừa hành quân vừa làm đường, bắc cầu phà cho xe, pháo của ta tiến vào trận địa, bảo đảm bí mật tuyệt đối, đơn vị của bác đến Điện Biên. Theo kế hoạch, đơn vị công binh của bác có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị pháo binh xây dựng công sự để đưa pháo vào chuẩn bị cho đợt tổng công kích. Sau chặng đường hành quân vất vả với biết bao gian nan, thử thách, đơn vị bác “bắt tay” ngay vào nhiệm vụ mới. Đêm đêm dưới làn đạn pháo của quân thù, anh em trong đơn vị khẩn trương chia nhau mỗi người mỗi việc, người chặt gỗ, bắc dầm, người đào, người đắp… Ban đầu, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” nên ai nấy đều tích cực, khẩn trương cho kịp thời gian đưa pháo vào nhưng trước tình thế thay đổi, Bộ Chỉ huy chiến dịch chuyển sang phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”. Theo chủ trương của cấp trên, các đơn vị lại kéo pháo ra chờ đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Đơn vị của bác lại được lệnh đào hầm pháo ở các vị trí mới, khoét sâu vào sườn núi để đưa lựu pháo 105mm lên, hầm được đào phải có nắp, từ trên cao có khả năng khống chế lòng chảo Điện Biên mà lại an toàn trước pháo binh và máy bay địch. Vừa tích cực, khẩn trương đào hầm pháo, đơn vị của bác vừa phải ngụy trang để tránh sự phát hiện của quân địch. Càng gần đến ngày mở màn chiến dịch, công tác chuẩn bị hầm hào, công sự càng vào giai đoạn “nước rút”. Đến đầu tháng 3-1954, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công đã sẵn sàng, toàn bộ xe, pháo được đưa vào vị trí tập kết chờ lệnh “khai hỏa”. Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, một trận bão lửa của pháo binh quân đội ta làm rung chuyển cả núi rừng Điện Biên, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, đánh thắng trận đầu, mở màn cho chiến dịch lịch sử. Sau 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta, ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn, toàn bộ Bộ Tham mưu của tướng Đờ Cát đầu hàng, cả chiến trường như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Sau chiến dịch, đơn vị bác có nhiệm vụ thu dọn chiến trường và tiếp tục làm đường cho các đơn vị bộ đội rút quân về đồng bằng.

Đối với CCB Bùi Huy Ân, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thì ký ức Điện Biên là những ngày tháng bác cùng đồng đội “đồng cam cộng khổ” đào hào, kéo pháo trong sự oanh kích ác liệt của máy bay địch. Tháng 11-1953, đơn vị bác (Trung đội 2, Đại đội 4, trực thuộc Sư đoàn 312) nhận lệnh hành quân vào Điện Biên. Suốt chặng đường dài “ngày nghỉ đêm đi” hàng trăm cây số đường rừng gian nan, vất vả là vậy nhưng ai nấy đều tỏ rõ tinh thần quyết tâm cao. Vào gần đến chiến trường Điện Biên, bác được trưng tập làm nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa. Đây là cuộc hành quân có một không hai trong đời mỗi người lính Điện Biên. Mỗi khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, phải dùng 4 đến 7 chiếc tời để kéo, quãng đường đi phải vượt qua đồi cao, dốc dài, những khe suối lầy lội, những hố bom địch đánh phá; sau mỗi tiếng hô vang hai... ba..., mọi người nắm chắc dây tời, cúi rạp người xuống kéo, khẩu pháo nhích dần lên dốc được 20-30cm. Vượt qua trăm ngàn khó khăn, hiểm nguy cùng với ý chí kiên cường của hàng vạn chiến sỹ, pháo của ta đã được đưa vào vị trí tập kết đúng thời gian quy định. Sau đó, đơn vị bác tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào giao thông hào, chiến sự lúc này diễn ra ác liệt, khi pháo của địch điên cuồng bắn phá, tàu càn liên tục tuần tiễu ngày đêm nhằm phát hiện hầm hào của ta. Nếu phát hiện chúng lập tức cho xe tăng, bộ binh ra lấp hào. Đây là thời kỳ gay go ác liệt nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, mét hào. Ban ngày địch bắn phá, ban đêm ta lại tiếp tục đào, mưa gió, bom đạn ào ào trên đầu không ngớt. Hầm, hào đã trở thành phương tiện tấn công, là sợi dây khép chặt vòng vây quân địch, hào đào đến đâu quân địch bị tiêu diệt đến đó. Ngày nào không đào hào thì bác cùng anh em trong đơn vị vượt qua làn đạn pháo của địch để ra tuyến ngoài vận chuyển lương thực, đạn dược vào cho các đơn vị chủ lực rồi lại cáng thương binh ra… Tất cả đều gấp rút, khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng cho ngày tổng công kích những cứ điểm cuối cùng của quân Pháp ở Điện Biên. Sáng ngày 7-5-1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên đồi A1, báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm, mọi người reo vui phấn khởi, nắm chặt tay nhau mừng chiến thắng…

58 năm trôi qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ hôm nay không thể nào quên những đóng góp và hy sinh lớn lao của những người lính Điện Biên quả cảm, kiên cường năm xưa, tiếp tục viết nên trang vàng lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay./.

Bài và ảnh: Thu Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com