Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới

07:04, 21/04/2012

Sau một thời gian triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay một số xã, thị trấn trong tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu, đồng thời đã rút ra một số bài học, kinh nghiệm quý. Việc trao đổi, vận dụng linh hoạt những bài học, kinh nghiệm giữa các địa phương sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả  chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.

Cả hệ thống chính trị cần “vào cuộc”

Tìm hiểu thực tế tại các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, chúng tôi nhận thấy, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương xây dựng NTM, các địa phương trên đều đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện được vận hành nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả. Là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng đã ý thức rõ được vai trò, trách nhiệm, bám sát quan điểm, chủ trương, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về xây dựng NTM, sớm vận dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương để kịp thời xây dựng, ban hành các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, sát thực, có tính khả thi. Đến thời điểm này, Hải Hậu là huyện dẫn đầu tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Ngoài việc sớm hoàn thành quy hoạch, hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở 100% xã, thị trấn; huyện đã huy động được trên 213 tỷ đồng, trong đó có gần 65 tỷ đồng do nhân dân đóng góp để triển khai thực hiện các công trình, phần việc cụ thể. Toàn huyện đã thực hiện được 853 công trình hạ tầng, đào tạo nghề cho trên 3.000 lao động, xây dựng được 155 mô hình sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản… Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Huyện uỷ Hải Hậu đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 6 đề án phát triển kinh tế - xã hội. Các chủ trương, đề án đều tập trung vào giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực của đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ sở đó, UBND huyện xây dựng thành các kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Trong đó, UBND huyện đã ban hành hướng dẫn về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn xây dựng NTM, cơ chế khuyến khích, khen thưởng. Trên cơ sở chủ trương, kế hoạch chung của huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn vận dụng xây dựng, ban hành các nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ của địa phương. HĐND, UBND cùng cấp xây dựng, ban hành đề án, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, khen thưởng. Bám sát chủ trương, kế hoạch của huyện uỷ, UBND huyện, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã hướng mạnh hoạt động về địa bàn khu dân cư, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động giúp nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu, kế hoạch, phương châm thực hiện cũng như trách nhiệm, quyền lợi, từ đó tích cực tham gia thực hiện. MTTQ và mỗi đoàn thể trong huyện đều tham gia đảm nhiệm những phần việc cụ thể. Trong đó, MTTQ đảm nhiệm chủ trì, phối hợp các tổ chức thành viên vận động nhân dân tham gia xây dựng “xóm NTM”, “gia đình NTM”; Hội CCB đẩy mạnh hoạt động của nhà văn hoá xóm; Hội Nông dân đảm nhiệm vận động hội viên hiến đất làm đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng; Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động hội viên giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, khu dân cư; Đoàn Thanh niên đảm nhiệm khâu hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Tại các huyện Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong huyện cũng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức trong hệ thống chính trị trong xây dựng NTM. Bước đầu, các địa phương đã thực hiện có hiệu quả một số khâu, phần việc quan trọng trong lộ trình xây dựng NTM như DĐĐT, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng… Đồng chí Lưu Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Trực Hùng (Trực Ninh) khẳng định, chưa bao giờ hệ thống chính trị địa phương lại phối hợp hoạt động đồng bộ, hiệu quả như thời gian qua. Là một trong 7 xã được huyện Trực Ninh chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm xây dựng NTM, Đảng uỷ, chính quyền xã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, sát sao, quyết liệt, cả hệ thống chính trị của địa phương phải cùng vào cuộc.  Đảng uỷ xã đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quan trọng này. Chỉ riêng công tác DĐĐT, Đảng uỷ xã đã xây dựng, ban hành 3 nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, gồm nghị quyết về DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, nghị quyết về tập trung lãnh đạo tổ chức hội nghị nhân dân các xóm tham gia đóng góp ý kiến xây dựng phương án DĐĐT, nghị quyết về triển khai phương án DĐĐT. Ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM, Ban chỉ đạo thực hiện DĐĐT, xã đã thành lập Ban phát triển NTM, tổ DĐĐT, ban giám sát ở cả 25 xóm trong xã. Đồng chí Hà Quang Vinh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Trực Ninh cho biết, xác định vai trò, trách nhiệm là trung tâm của khối đoàn kết toàn dân, thời gian qua, MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ, đoàn thể ở cơ sở, đặc biệt là các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện lồng ghép 6 nội dung cơ bản của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó, tập trung vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, công trình thuỷ lợi, các thiết chế văn hoá; thực hiện DĐĐT; tham gia các lớp học nghề, truyền nghề; chấp hành, thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, các quy định, quy ước của địa phương, qua đó tập hợp, phát huy nguồn lực to lớn trong nhân dân chung sức thực hiện thắng lợi chủ trương, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng NTM trên địa bàn.

Lãnh đạo xây dựng, phát triển nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các chi bộ thôn, xóm. Trong ảnh: Xóm 14, xã Trực Thắng (Trực Ninh).
Lãnh đạo xây dựng, phát triển nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các chi bộ thôn, xóm. Trong ảnh: Xóm 14, xã Trực Thắng (Trực Ninh).

Phát huy sức dân từ thực hiện tốt quy chế dân chủ

Thiếu nguồn lực thực hiện đang là khó khăn chung của nhiều địa phương khi triển khai Chương trình xây dựng NTM. Song, một số địa phương, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, bước đầu đã huy động được các nguồn lực từ nhân dân. Thực hiện DĐĐT là khâu quan trọng trong lộ trình xây dựng NTM của nhiều địa phương nhưng việc thực hiện rất khó khăn, phức tạp bởi liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của nhiều người. Tuy nhiên, đến hết năm 2011, 35/35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu, một số xã thực hiện thí điểm của các huyện Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh đã hoàn thành, giao ruộng mới cho nông dân trên thực địa. Đáng chú ý là, trong đợt DĐĐT này, nhân dân ở các địa phương trên không chỉ tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, đảm bảo cho đề án DĐĐT của địa phương phù hợp, sát thực, có tính khả thi mà còn tình nguyện hiến đất cho địa phương làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; đóng góp ngày công hoặc kinh phí đào đắp. Trong đợt DĐĐT vừa qua, nhân dân ở 5 xã thực hiện thí điểm của huyện Giao Thuỷ: Giao Hà, Giao Tiến, Giao Châu, Giao Thịnh, Bình Hòa đã hiến mỗi hộ từ 8-30 m2/sào. Hưởng ứng phong trào xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thôn, xóm, con em xa quê của nhiều địa phương cũng tích cực đóng góp. Con em xã Trực Nội (Trực Ninh) đang làm ăn, sinh sống thành đạt ở mọi miền đất nước đã quyên góp gửi về cả chục tỷ đồng giúp địa phương xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Hội đồng hương xã Hiển Khánh (Vụ Bản) quyên góp kinh phí làm một số công trình như đường làng, nhà văn hoá, cổng làng. Mới đây, con em thôn Phú Mỹ, xã Trực Hưng (Trực Ninh) xa quê đã gửi về gần 1 tỷ đồng chung sức cùng cả thôn xây dựng nhà văn hoá khang trang, hiện đại. Trao đổi với nhiều cán bộ, người dân ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy, sở dĩ chương trình xây dựng NTM được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều công trình, phần việc sớm được triển khai, thực hiện là do quá trình triển khai cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nơi đây đã áp dụng, thực hành nghiêm quy chế dân chủ. Theo đó, mọi chủ trương, kế hoạch, đề án đều được cấp ủy, chính quyền tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đơn cử trong công tác DĐĐT, từ khi triển khai đến kết thúc, các xóm, đội đều nhiều lần tổ chức họp lấy ý kiến của nhân dân. Khi phương án được 100% số hộ trong xóm nhất trí, UBND xã mới phê duyệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc áp dụng thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng NTM chưa thực sự đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, không ít cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thực sự coi trọng hoặc chỉ thực hiện một cách qua loa, hình thức. Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Không hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi nên người dân thiếu chủ động, tích cực tham gia thực hiện. Nguồn lực to lớn trong nhân dân bao gồm cả trí lực, vật lực chưa được phát huy. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM tại các địa phương này do vậy chưa thực sự rõ nét. Thực tế trên cho thấy, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ để huy động trí lực, vật lực của nhân dân là yêu cầu không thể thiếu của bất cứ địa phương nào khi triển khai chương trình xây dựng NTM. Bởi đó là những yếu tố quyết định sự thành, bại đối với chủ trương lớn, quan trọng này./.

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com