Thiết thực hưởng ứng Tháng Thanh niên

08:02, 16/02/2012

Các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ cả nước vừa kết thúc Năm Thanh niên 2011, với những kết quả khả quan, bước đầu mở ra những mô hình mới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn, nhất là tại cơ sở. Trong những ngày này, các tỉnh Đoàn, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động Tháng Thanh niên - tháng 3 năm 2012. Ban Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã quyết định chọn chủ đề của Tháng Thanh niên năm nay là: "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới", với phương châm mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tinh thần sẵn sàng cho Tháng Thanh niên của các sinh viên. Ảnh: Internet
Tinh thần sẵn sàng cho Tháng Thanh niên của các sinh viên. Ảnh: Internet

Trong thực tế hoạt động, từ nhiều năm nay, các cấp bộ Đoàn cả nước đã có những chương trình cụ thể hướng về nông thôn và thanh niên nông thôn. Nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được tổ chức; hàng triệu lượt người dân nghèo được khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí; hàng nghìn tỷ đồng được giải ngân giúp thanh niên nông thôn vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; nhiều ngôi nhà đoàn kết, nhà nhân ái... được xây dựng và sửa chữa; hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được nâng cấp và làm mới. Có thể nói, sự tham gia của tuổi trẻ và tổ chức Đoàn góp phần xây dựng nông thôn mới đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của nước ta còn nhiều khó khăn, do điều kiện địa lý, đất đai, cơ sở hạ tầng yếu kém; do tập quán sinh sống và sản xuất còn lạc hậu, trì trệ; đường giao thông hiểm trở; tổ chức cơ sở Đoàn, hội tại cơ sở còn yếu kém, có nơi rơi vào tình trạng có tổ chức nhưng "trắng" hoạt động... Càng về các xã vùng sâu, vùng xa càng thấy sự đói nghèo, bất cập thể hiện rõ nét. Vì vậy, việc Ban Bí thư TW Đoàn yêu cầu các hoạt động chung tay xây dựng nông thôn mới của tuổi trẻ trong tháng 3 năm nay phải được tổ chức từ cơ sở là một chủ trương đúng đắn, thiết thực. Và để chủ trương này trở thành những hoạt động cụ thể trong thực tế, rất cần sự chủ động, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ Đoàn, của mỗi đoàn viên, thanh niên.

Các hoạt động được tổ chức từ cơ sở nhưng không thể thiếu sự trợ giúp, đầu tư về nguồn lực, nhân lực của các đơn vị cấp trên. Tránh hiện tượng TW Đoàn triển khai kế hoạch xuống các tỉnh Đoàn, thành Đoàn; các tỉnh Đoàn, thành Đoàn tiếp tục triển khai xuống các huyện; các huyện lại "chuyển" xuống xã và coi như đã hoàn thành nhiệm vụ trong khi chưa có những hoạt động cụ thể được tổ chức hoặc nếu có cũng qua loa, chiếu lệ. Từ đây, trong các báo cáo tổng kết lại xuất hiện dòng chữ "vô thưởng, vô phạt" như 100% số cơ sở Đoàn đã triển khai Kế hoạch hành động Tháng Thanh niên....

Về với nông thôn, các cấp bộ Đoàn cần tìm đến với những địa chỉ nghèo nhất, khó khăn nhất, tập trung xung kích vào những vấn đề nóng, còn nhiều bất cập và hạn chế như: đường giao thông, trình độ dân trí, đời sống của thanh niên, thiếu niên. Cần tập trung nguồn lực, sức trẻ, triển khai làm những việc cụ thể, có kết quả cụ thể; trọng tâm là làm mới đường giao thông, xây nhà nhân ái, phòng học, hỗ trợ thanh niên nông thôn vay vốn... Cần giảm mức thấp nhất việc tổ chức ra quân rầm rộ kiểu trống dong, cờ mở hoặc những việc mang nặng tính hình thức chỉ để phục vụ công tác tuyên truyền, để dành kinh phí cho những công việc hướng về người nghèo.

Các đoàn kiểm tra, giám sát của TW Đoàn về hoạt động trong Tháng Thanh niên cần trực tiếp xuống cơ sở, tham gia hoạt động và tìm hiểu những khó khăn trong thực tế của các cơ sở Đoàn. Tránh hiện tượng chỉ ngồi nghe báo cáo và chỉ đạo công việc dựa trên giấy tờ, công văn.

Tháng Thanh niên còn là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa đến thanh niên và công tác thanh niên thông qua những công việc cụ thể. Các hoạt động "Nghe thanh niên nói" cần được phát động, tổ chức sâu rộng hơn và những đề xuất, kiến nghị chính đáng của thanh niên cần được các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết kịp thời./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com