Đảng bộ Đại Thắng tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

09:10, 15/10/2010

Trong ảnh: Cây cảnh các loại trong trang trại của ông Vũ Đức Lại, xóm Làng Mới, xã Đại Thắng có giá trị gần 2 tỷ đồng.
Trong ảnh: Cây cảnh các loại trong trang trại của ông Vũ Đức Lại, xóm Làng Mới, xã Đại Thắng có giá trị gần 2 tỷ đồng.

Xã Đại Thắng (Vụ Bản) nằm ven sông Đào được phù sa bồi đắp nên đồng đất màu mỡ. Trong tổng diện tích 5094 mẫu đất canh tác của xã, diện tích cấy lúa có 4231 mẫu, còn lại 863 mẫu đất trồng màu. Từ thế mạnh về đất đai, những năm qua đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, ra nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp. Cùng với việc chuyển 75ha vùng đồng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, chuyển 300 mẫu diện tích đất cao hạn sang trồng màu, UBND xã đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp điều hành việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tăng diện tích lúa hàng hoá, hệ số sử dụng đất để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đảng uỷ xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các phong trào thi đua: Hội CCB với phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; Hội Phụ nữ với phong trào giúp nhau xoá đói giảm nghèo; Hội Nông dân với phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… Các HTX nông nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng vụ, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chủ động tưới tiêu nước, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Do thực hiện các biện pháp đồng bộ trong lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa của xã luôn đạt 11,5 đến 12 tấn/ha, là một trong những địa phương dẫn đầu huyện về năng suất lúa. Những năm gần đây, giá trị trên một ha canh tác của xã đạt 66,7 triệu đồng, trong đó hơn 500 mẫu đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện dự án chuyển đổi 75ha từ vùng đồng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, xã được đầu tư hơn 4 tỷ đồng đắp bờ vùng, bê tông hoá mặt đường, xây cống tiêu nước, chia ô nuôi trồng… Đến nay, toàn xã có 20 trang trại theo mô hình trồng lúa kết hợp với chăn nuôi; trồng cây cảnh. Tiêu biểu như trang trại của ông Vũ Đình Trung, thôn Đống Xuyên với hơn 2 mẫu ruộng kết hợp mô hình trồng lúa và chăn nuôi, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Thành, xóm Hồng Tiến phát triển mô hình nuôi lợn, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập 100 triệu đồng… Ngoài phát triển mô hình kinh tế trang trại, những năm gần đây, phong trào sinh vật cảnh trong xã phát triển mạnh. Trên địa bàn xã đã và đang hình thành thị trường sản xuất, tiêu thụ cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xác định đây là bước đột phá mới trong mô hình phát triển kinh tế, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các hộ dân tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh. Đến nay, đã có 60% hộ dân trong xã phát triển nghề trồng cây cảnh. Ông Vũ Đức Lại, xóm Làng Mới với 1 mẫu đất trồng cây cảnh có giá trị gần 2 tỷ đồng. Diện tích trồng cây cảnh của các ông Vũ Hoài Nam, thôn Điện Biên; Vũ Đình Hữu, thôn Tiên… có giá trị từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Nhiều hộ trong xã còn nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã xây dựng mô hình trang trại, gia trại với phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp tập trung. Năm 2009, tổng đàn trâu, bò của xã đạt gần 600 con, đàn lợn gần 6000 con, đàn gia cầm 70 nghìn con.

Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung các biện pháp nhằm động viên, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Các ngành nghề sản xuất như dịch vụ, vật liệu xây dựng, dịch vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, vận tải, nghề mộc và một số nghề mới cũng được Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã kết hợp với các trường dạy nghề tổ chức dạy nghề cho nông dân như: đan móc hộp bẹ chuối, đan len, đan cót, may mặc… Xã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho 2 doanh nghiệp là Cty cổ phần gạch ngói Vạn Xuân, Cty may 4 Nam Định thành lập xí nghiệp may 3 tại HTX nông nghiệp Thiện Linh. Bước đầu 2 doanh nghiệp đã thu hút được nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định. Toàn xã hiện có 50-60% số hộ có thu nhập từ các ngành nghề, dịch vụ.

Kinh tế phát triển, các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được xã đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, hiện đại. Trên địa bàn xã đã có 1 trường THCS, 3 trường tiểu học và 4 khu mầm non được xây dựng kiên cố; 40 km đường liên xã, liên thôn được trải nhựa và đổ bê tông. Những năm qua, từ nguồn ngân sách xã kết hợp với kinh phí đầu tư của cấp trên và sự đóng góp của nhân dân, xã đã hoàn thành việc thi công công trình nhà máy nước sạch, trường mầm non khu vực Ba Bờ, khu vực Nhất Trí, xây chợ Đế; nâng cấp sửa chữa hệ thống trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sỹ, trụ sở làm việc; các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như cầu cống, kiên cố hoá kênh mương… Từ những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm, tỷ lệ hộ giàu tăng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.

Đạt được những kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới là do đảng bộ xã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; nắm vững và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của địa phương. Trong lãnh đạo, đảng bộ đã đề ra những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Nhiều năm liền Đảng bộ xã Đại Thắng được công nhận danh hiệu "Đảng bộ trong sạch vững mạnh"./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com