Một số giá trị tiêu biểu của nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội

08:10, 04/10/2010

(Tiếp theo kỳ trước)

Truyền thống nhân nghĩa, khát vọng hoà bình và truyền thống tài hoa - trí tuệ

... Hoà bình là khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta. Người Thăng Long - Hà Nội cũng như người dân đất Việt không bao giờ muốn chiến tranh. Lịch sử đã ghi nhận lòng khoan dung, nhân ái của nhân dân Thăng Long - Hà Nội ngay cả khi kẻ thù buộc chúng ta phải cầm gươm, cầm súng tự vệ, nhân dân ta vẫn tìm cách "vừa đánh, vừa đàm" cho kẻ thù thoát khỏi cuộc chiến tranh hao người tốn của, tìm cách cho kẻ thù đường rút danh dự.

Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh: Internet
Thủ đô Hà Nội hôm nay.     Ảnh: Internet

Ở vào thời điểm nghĩa quân Lam Sơn đã đánh tan đạo quân tiếp viện của nhà Minh, giết chết tướng Liễu Thăng, quân và dân ta thừa cả thế và lực để tiêu diệt quân địch trong thành Đông Quan. Nhưng với lòng nhân đạo muốn tránh chết chóc cho quân sĩ cả hai bên, tránh cho kinh thành khỏi bị tàn phá và tạo sự hoà hiếu giữa hai nước, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã kiên trì thuyết phục tướng giặc. Nguyễn Trãi viết hàng chục bức thư gửi cho Vương Thông, lời lẽ trong các bức thư vừa thể hiện sự mềm mỏng, khiêm nhường vừa quyết liệt của người đang làm chủ hoàn toàn chiến trường. Vương Thông buộc phải mở cửa thành, lên đàn thề xin rút quân. Với tinh thần nhân đạo cao cả, Lê Lợi đã cấp hàng trăm thuyền, hàng nghìn ngựa, lương thực cho tù binh, hàng binh nhà Minh về nước. Câu chuyện truyền thuyết về vua Lê trả gươm thần cho Rùa vàng ở hồ Lục Thuỷ tiếp nối một cách tự nhiên trong dòng chảy của lịch sử. Chiến tranh kết thúc hoàn trả Thần Kiếm, đó chính là biểu trưng khát vọng hoà bình của dân tộc ta giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhân nghĩa trở thành truyền thống của dân tộc ta. Trong cuộc giao chiến kẻ địch giơ tay đầu hàng đều được nhân dân ta khoan hồng, đối xử nhân đạo. Chiến tranh kết thúc, nhân đân ta trải thảm cho tù binh, hàng binh về nước an toàn. Hài cốt lính địch bỏ xác trên đất Việt cũng được Nhà nước ta cho tìm kiếm trao trả thân nhân của họ. Nhân dân Thăng Long ngoài việc chôn cất lập đàn chẩn tế chu đáo, còn tu sửa, dựng chùa (chùa Bộc) làm nơi quy y cho vong linh binh sĩ của địch. Hận thù nên cởi, không nên buộc cũng là một triết lý nhân sinh của người Việt. Khắc ghi lịch sử, xoá bỏ hận thù, không quên quá khứ, hướng tới tương lai, đó truyền thống văn hiến, anh hùng Thăng Long - Hà Nội. Với kẻ thù, người Thăng Long - Hà Nội và người dân Việt Nam luôn thể hiện lòng nhân nghĩa, với đồng bào lòng nhân ái càng được nâng cao, thể hiện bằng hành động thiết thực. Người dân Thăng Long - Hà Nội luôn hằng tâm, hằng sản, góp sức chung tay giúp đỡ mọi người trong cơn hoạn nạn. Đó là nét đẹp trong cuộc sống của người Thăng Long - Hà Nội...

Thăng Long - Hà Nội là đất nghìn năm văn hiến, có truyền thống tài hoa và trí tuệ, là trung tâm tiêu biểu cho nhiều kỷ nguyên văn minh của dân tộc ta như: kỷ nguyên văn minh sông Hồng, kỷ nguyên văn minh Đại Việt, kỷ nguyên văn minh Việt Nam. Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, hội tụ tinh hoa văn hoá, nghệ thuật, hội tụ trí thức. Trí tuệ của dân tộc hun đúc cho Thăng Long - Hà Nội và cũng từ đây trí tuệ của Thăng Long - Hà Nội toả chiếu ra mọi miền của đất nước nâng cao tầm trí tuệ của dân tộc. Thăng Long - Hà Nội là "lắng hồn sông núi ngàn năm" là nơi để các danh nhân, nghệ nhân phát huy tinh hoa...

... Đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến đã góp phần tạo nên nhân tài và các thế hệ nhân tài đã bồi đắp trở lại cho trái tim đất nước ngày càng xứng đáng tiêu biểu cho nền văn hiến Việt Nam. Không chỉ hội tụ, mà còn toả sáng. Theo tiếng gọi của non sông, người Thăng Long - Hà Nội sẵn sàng gác bút nghiên đi bảo vệ biên cương, sẵn sàng đi mở đất, xây dựng quê hương mới, đáp ứng yêu cầu của mọi miền Tổ quốc. Tuổi trẻ Thủ đô hôm nay luôn nêu gương "đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên". Ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, họ cũng phấn đấu hết mình để không hổ thẹn là người Thăng Long - Hà Nội, không hổ thẹn với cha ông...

(Còn nữa)
P.V
(Theo Đề cương tuyên truyền củaBan Tuyên giáo TW)
[links()]


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com