Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

08:09, 08/09/2010

Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, nghiên cứu và khảo nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rằng: Cách mạng Việt Nam muốn thành công "trước hết phải có Đảng lãnh đạo", mà "Đảng có vững cách mạng mới thành công". Từ sự nhận thức đầu tiên quan trọng đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện, đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vì Người coi đây là "việc cần phải làm trước tiên", để Đảng ta không ngừng phát triển xứng đáng là "hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc".

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn vững mạnh, Đảng phải có chủ nghĩa "làm cốt" và tiên phong trong hoạt động thực tiễn. Trong tác phẩm "Đường cách mệnh", Người chỉ rõ: "Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh", "Đảng có vững thì cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm cốt". Có thể nói, đây là sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, vì ngay từ đầu, Người đã đề ra tôn chỉ, lý tưởng chính trị của Đảng đáp ứng yêu cầu nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn xã hội. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta lúc đầu mới thành lập chỉ một lượng ít đảng viên, ít tổ chức Đảng, đến nay đã có hơn 2,5 triệu đảng viên sinh hoạt ở các tổ chức Đảng trong toàn quốc; từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành một Đảng cầm quyền duy nhất lãnh đạo toàn xã hội lập nên những chiến công, viết nên những trang sử vẻ vang cho cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, trong hoạt động công tác của Đảng, tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để xây dựng chỉnh đốn Đảng, và nhằm tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, xây dựng đường lối chính sách phù hợp, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả, khắc phục sai lầm, khuyết điểm, phát huy ưu điểm để Đảng thật sự là đội tiên phong cách mạng chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Trong tự phê bình và phê bình, chống mọi biểu hiện lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, gây rối nội bộ, đồng thời tổ chức và vận động nhân dân góp ý, phê bình tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng là một quy luật xây dựng, phát triển Đảng trong sạch, vững mạnh, loại bỏ những thói hư, tật xấu, thoái hoá trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm ô danh Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.

Thứ ba, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng muốn vững mạnh trước hết phải đoàn kết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, sức mạnh của Đảng là ở chỗ thống nhất, đoàn kết. Thống nhất ý chí, thống nhất hành động là biểu hiện cao nhất của một Đảng cách mạng, Đảng tiên phong. Người khẳng định: sự thống nhất, đoàn kết của Đảng là hạt nhân, nhân tố quyết định sự đoàn kết thống nhất toàn dân tộc và tiền đề đoàn kết quốc tế đúng đắn. Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh đại đoàn kết dân tộc là bài học lớn, nguồn sức mạnh, động lực to lớn, là nhân tố làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thứ tư, Đảng phải gắn bó chặt chẽ với nhân dân, vì nhân dân. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên mọi thắng lợi trong lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng phải không ngừng vươn lên, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, muốn vậy, Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, mọi chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng đều phải xuất phát vì lợi ích của nhân dân, của toàn dân tộc. Đảng phải dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn, đấu tranh chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: "Đảng phải gần dân, tin dân, trọng dân, học dân để lãnh đạo dân". Do đó, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân là vấn đề có tính quy luật trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta chỉ rõ, phải bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao đời sống văn hoá - nền tảng tinh thần toàn xã hội. Để Đảng ta thực sự "là đạo đức, là văn minh", đại biểu cho trí tuệ và lương tâm của thời đại, thì tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mãi mãi là "kim chỉ nam" để Đảng ta hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm xây dựng một nước Việt Nam vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"./.

    Hoàng Đạo



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com