Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước đi đôi với giữ nước

08:09, 03/09/2010

Trong "hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam", tư tưởng Hồ Chí Minh về "dựng nước phải đi đôi với giữ nước, xây dựng CNXH phải gắn liền với bảo vệ CNXH" giữ vị trí trụ cột của toàn hệ thống, đã trở thành hai nhiệm vụ chiến lược của Cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong tại Đền Hùng (Phú Thọ), ngày 19-9-1954:
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong tại Đền Hùng (Phú Thọ), ngày 19-9-1954:
Trong đêm đen của chế độ thuộc địa, phải tìm cách thoát khỏi nhà tù của dân tộc mất nước, một mình lê gót khắp gầm trời Âu, Á, Mỹ, Phi, khi bắt gặp ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc thấy "như nguồn nước mát mà mỗi con người đi đường khao khát tìm kiếm, như bát cơm đầy đã làm no lòng và cho họ một hứng khởi mới". Và "ngọn đuốc của chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã soi sáng cho con đường Cách mạng Việt Nam"...

"Ngoài con đường cách mạng của giai cấp vô sản không có con đường nào khác có thể cứu nước và giải phóng dân tộc". Biết rằng, nhiều nhân sĩ trong nước còn kỳ vọng ở phong trào Đông du, Nguyễn Ái Quốc viết rõ: "Xin đồng bào đừng có hy vọng gì vào Nhật Bản hay bất kỳ một đế quốc nào khác. Muôn ngàn lần, chúng ta cần nhớ rằng bất kỳ một thứ đế quốc chủ nghĩa nào cũng đều muốn dân tộc ta không thể phục sinh, muốn con cháu chúng ta thành nô lệ cho chúng". Rõ ràng, đối với chế độ cai trị của thực dân đế quốc, không thể đi theo con đường của giai cấp phong kiến, tiểu tư sản hay tư sản bản xứ mà chống lại chúng, cũng không thể theo con đường của đế quốc này chống đế quốc khác mà thực hiện được giải phóng dân tộc. Chỉ còn con đường cách mạng vô sản là giai cấp sinh ra cùng thời với chúng, có quy mô quốc tế như chúng để đối chọi với chúng.

Qua quá trình vừa thiết kế vừa thi công, tư tưởng Hồ Chí Minh về "dựng nước đi đôi với giữ nước" đã đạt những thành tựu vượt xa dự kiến. Từ việc công bố cáo trạng "bản án chế độ thực dân Pháp", tổ chức "hội liên hiệp thuộc địa" để hưởng ứng khẩu hiệu "vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại" của Quốc tế thứ 3, tham gia các diễn đàn quốc tế thúc đẩy sự ủng hộ của cách mạng thế giới đối với phong trào giải phóng, động viên, tổ chức đồng bào mình đứng dậy tự giải phóng..., trong bất kể tình huống nào cũng thấy nổi rõ nét sắc sảo đầy thực tiễn của nhà chiến lược cách mạng xuất thân từ thuộc địa.

Hồ Chí Minh đánh giá về đồng bào mình từ khi nền thống trị thực dân còn rất vững mạnh "Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất... Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm... Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi, CNXH chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi". (Nguyễn Ái Quốc - Tạp chí Cộng sản (Pháp) số 14 tháng 5-1921).

Khi cần chuyển hướng chiến lược cách mạng, tập trung sức mạnh giành độc lập dân tộc: "Trong lúc này... nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập - tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn dân tộc còn chịu kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được" (NQTW VIII khoá 1). Khi thời cơ đến: "Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta". Khi Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Từ thân phận một người dân mất nước đưa toàn dân tộc lên vị thế làm chủ đất nước, kinh qua trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Pháp, người "tuyên án" chế độ thực dân Pháp lại trở thành người trực tiếp tổ chức thi hành bản án, và do hiệu ứng dây chuyền, tới năm 2000, Liên Hợp quốc ra nghị quyết về "Phi thực dân hoá trên toàn thế giới" thì "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc năm xưa nay đã trở thành "bản án chế độ thực dân trên toàn thế giới".

Để thức tỉnh và hướng dẫn đồng bào mình vốn là dân thuộc địa, Hồ Chí Minh quen sử dụng những câu ngắn gọn như những châm ngôn hành động: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"; "Vừa kháng chiến vừa kiến quốc! Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt nát. Diệt giặc ngoại xâm"; "Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập tự do"...

Về từng lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực nào Người cũng có những khái quát rất thiết thực: "Cách mệnh trước hết là phải có cái gì? Trước hết là phải có Đảng cách mệnh. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy."; "Đảng ta không phải trên trời sa xuống mà từ trong xã hội sinh ra. Vì vậy mỗi đảng viên còn rất nhiều vết tích và tư tưởng, tập quán của xã hội cũ"; "Có đảng viên người vào Đảng, tư tưởng thì chưa vào Đảng"... "Vào Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà là làm đày tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò"; "Muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân làm gốc"; "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"; "Việc cần thiết là phải tổ chức một mặt trận dân tộc thật rộng rãi. Đoàn kết rộng rãi thì cái gốc phải vững chắc tức là liên minh công nông có vững mới đoàn kết được các giai cấp khác"; "Nước đã được độc lập mà dân chưa được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng làm gì?"; "Tham ô lãng phí là giặc nội xâm. Tội ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám"; "Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của vô sản chuyên chính. Phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau". "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"; "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ"...

Vào năm 1990, khi UNESCO công bố Nghị quyết biểu thị "lòng tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp tự do độc lập", "anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hoá lớn", "là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ XX" và "những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau" thì tư tưởng Hồ Chí Minh về "dựng nước phải đi đôi với giữ nước" đã trở thành chân lý, được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc long trọng thừa nhận, khiến những người phủ nhận điều đó càng biểu lộ chất phản khoa học và phi văn hoá của họ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về "dựng nước phải đi đôi với giữ nước" vận dụng vào mọi lĩnh vực lãnh đạo, chỉ huy và quản lý xã hội, với toàn bộ hệ thống chính trị, trước sau vẫn lấy dân làm gốc, lấy con người làm nhân vật trung tâm. Trong mọi tình thế của thời kỳ đổi mới, ta càng phải thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những điều quan hệ tới dân: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên". Đó chính là hồn cốt của mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" mà ta đang xây dựng./.

Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com