Xứng đáng là cơ quan tham mưu và phục vụ tin cậy của UBND tỉnh

03:08, 25/08/2010
Nguyễn Công Thành
Chánh Văn phòng UBND tỉnh

Cách đây 65 năm, ngày 28-8-1945 - năm ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Bác Hồ đứng đầu đã ra Tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ của nước Việt Nam mới. Ngày 28-8-1945 đánh dấu sự ra đời bộ máy Văn phòng của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Theo Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 22-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28 tháng 8 chính thức trở thành Ngày truyền thống của Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước.

Lãnh đạo, công chức Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp số liệu giúp Thường trực UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Xuân Thu
Lãnh đạo, công chức Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp số liệu giúp Thường trực UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ.
Ảnh: Xuân Thu

 Cùng với hệ thống Văn phòng các tỉnh, thành phố trong cả nước, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, gắn liền với quá trình phát triển chung của đất nước và mang đặc điểm lịch sử của địa phương. Thời kỳ đầu, cơ quan chính quyền là Uỷ ban hành chính lâm thời. Sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất chính thức thành lập, bảo đảm hiệu lực của bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Những ngày chính quyền tỉnh mới thành lập, biết bao khó khăn gian khổ thử thách, Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh đã tham mưu và phục vụ cho Uỷ ban hành chính tỉnh lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh tăng gia sản xuất diệt giặc đói, đẩy mạnh công tác bình dân học vụ diệt giặc dốt, tích cực củng cố chính quyền giữ vững an ninh trật tự, trấn áp kịp thời âm mưu phá hoại của thù trong, giặc ngoài. Thực dân Pháp dã tâm cướp nước ta một lần nữa, chúng đã liên tiếp gây hấn, phá hoại đàm phán. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân tỉnh Nam Định đã cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ và hết sức vẻ vang của dân tộc. Để phù hợp với điều kiện kháng chiến, Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Nam Định đã khẩn trương triển khai đồng bộ hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Văn phòng Uỷ ban hành chính kháng chiến của tỉnh tích cực tham mưu và phục vụ sự  lãnh đạo của Uỷ ban hành chính kháng chiến, một mặt tổ chức động viên toàn dân tập trung nhân lực, tài lực, vật lực phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, ổn định đời sống nhân dân góp phần nuôi quân đánh giặc; một mặt làm tốt công tác thực hiện các chính sách mới của Đảng và Chính phủ, xây dựng đời sống văn hoá mới, khẳng định tính ưu việt chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hoà bình lập lại, Uỷ ban hành chính tỉnh lãnh đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất; tiến hành công cuộc cải tạo XHCN ở miền Bắc, xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn về việc sáp nhập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh mới Nam Hà, ngày 04-5-1965, lãnh đạo tỉnh hợp nhất đã họp phiên đầu tiên. Trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh Nam Hà đặt ở thành phố Nam Định. Trong những năm hừng hực khí thế sục sôi chống Mỹ, Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh mới sáp nhập hết sức năng động, chú trọng cải tiến cách làm việc, tăng cường cử cán bộ đi thực tế cơ sở. Cán bộ văn phòng đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các lĩnh vực công tác ở hậu phương, cùng cả nước làm tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, đảm bảo "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Chất lượng hoạt động của bộ máy Văn phòng hành chính nhà nước ngày một nâng cao, từng bước tham mưu thể chế hoá công việc điều hành của chính quyền theo các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nam Định với địa danh thành phố Dệt trở thành niềm tự hào của nhân dân toàn tỉnh và cả nước.

Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tỉnh Nam Hà được hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, Uỷ ban hành chính các cấp được đổi là Uỷ ban nhân dân (UBND). Ngày 03-01-1976, UBND tỉnh Hà Nam Ninh chính thức làm việc theo đơn vị hành chính mới, trụ sở các cơ quan tỉnh hợp nhất được đặt ở thành phố Nam Định. Tỉnh Hà Nam Ninh cùng với cả nước bước vào công cuộc xây dựng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế chính trị xã hội. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, nhiều cán bộ nòng cốt cấp tỉnh, cấp huyện được cử tăng cường cho công tác xây dựng chính quyền các tỉnh kết nghĩa ở miền Nam. UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh duy trì sản xuất, ổn định đời sống. Trong sản xuất nông nghiệp đã có hàng trăm HTX đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, sản lượng lương thực bình quân đạt 70 vạn tấn/năm. Sản xuất công nghiệp được chuyển theo hướng phát huy quyền tự chủ, chủ động trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho công nhân. Từng bước, tỉnh Hà Nam Ninh vươn lên giữ vững vị thế một trong những tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và công nghiệp dệt của miền Bắc.

Đại hội lần thứ VI năm 1986 của Đảng đề ra đường lối đổi mới, đánh dấu một bước đột phá trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đem lại luồng sinh khí mới trong sản xuất kinh tế và đời sống xã hội. Giai đoạn này có hai sự kiện lịch sử của tỉnh: Thực hiện Nghị quyết Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 10, tháng 12-1991 "về phân rạch địa giới hành chính tỉnh Hà Nam Ninh" thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Sau thời gian triển khai chia tách, ngày 01-4-1992 hai tỉnh mới bắt đầu hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Đến năm 1997, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới, tỉnh Nam Hà được tách và tái lập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX. Bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước, thực hiện những quan điểm đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Nam Định đã từng bước vươn lên. Các ngành sản xuất của tỉnh đã có sự chuyển mình đi lên; sản lượng lương thực toàn tỉnh tiếp tục được giữ vững và củng cố; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được mở rộng và phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đã tăng; các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng tiếp tục được giữ vững và phát huy, ngành Giáo dục và Đào tạo nhiều năm liên tục là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước; cở sở hạ tầng ngày một phát triển; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; thành phố Nam Định được quy hoạch để trở thành trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng; bộ mặt nông thôn tỉnh Nam Định ngày càng đổi mới; phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được đẩy mạnh trên các lĩnh vực trong toàn tỉnh.

Trải qua 65 năm phát triển và trưởng thành, bốn lần sáp nhập, chia tách với hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình; Nam Định luôn có vinh dự là nơi đặt trụ sở của các cơ quan cấp tỉnh, trong đó có Văn phòng UBND tỉnh. Để đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ được giao trong mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của địa phương và cả nước, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và nhân viên Văn phòng UBND tỉnh luôn coi trọng nâng cao ý thức chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn, tận tuỵ với công việc được phân công; cải tiến, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp và công tác phục vụ. Thường xuyên tìm hiểu và nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thu nhận thông tin từ các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội của tỉnh, các huyện, thành phố; trực tiếp tham mưu và phục vụ lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết công việc trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng chính quyền; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảm bảo chế độ thông tin báo cáo hàng ngày, tuần, tháng, quý, năm, phục vụ hoạt động và đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh; báo cáo định kỳ với Chính phủ; báo cáo khi các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh bạn về thăm và làm việc tại tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chuẩn bị các báo cáo, đề án, chuyên đề, chương trình, tờ trình, kế hoạch triển khai, để trình Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, phục vụ các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và thời gian. Văn phòng UBND tỉnh đã vươn lên đáp ứng yêu cầu mới, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính cấp tỉnh; tham mưu và phục vụ công tác lãnh đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Hàng năm, đã soạn thảo, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành trên nghìn văn bản, đảm bảo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đúng thể thức, nội dung, thẩm quyền; tiếp nhận và tham mưu phục vụ lãnh đạo UBND tỉnh xử lý hàng chục nghìn văn bản; mỗi năm phục vụ 12 phiên tiếp công dân định kỳ và những cuộc tiếp công dân đột xuất, hàng trăm hội nghị; giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh duy trì mối quan hệ làm việc thường xuyên với Uỷ ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể nhân dân; tham mưu tổ chức và phục vụ đón tiếp hàng chục đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, khách quốc tế về thăm và làm việc tại tỉnh...

Với những cố gắng và những thành tích đã đạt được, tập thể cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng UBND tỉnh vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; nhiều cá nhân được tặng Huy hiệu 50 năm, 40 năm, 30 năm tuổi Đảng, nhiều Huân chương, Huy chương các hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; hàng trăm Bằng khen của UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ, của các bộ, ngành. Đảng bộ, Công đoàn, Chi đoàn Thanh niên liên tục được công nhận đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh tiêu biểu, tiên tiến xuất sắc... Những danh hiệu và phần thưởng cao quý ấy khẳng định cố gắng và đóng góp rất lớn của tập thể các thế hệ cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng UBND tỉnh. Có được kết quả và vinh dự đó, là nhờ có sự chỉ đạo thường xuyên trực tiếp và toàn diện của lãnh đạo UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ; sự phối hợp công tác thường xuyên và chặt chẽ của Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, của các sở ban ngành, UBND các huyện và thành phố, cộng với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết nhất trí, cộng đồng trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Văn phòng UBND tỉnh.

Phát huy truyền thống 65 năm, để tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới, cán bộ công chức viên chức và nhân viên Văn phòng UBND tỉnh quyết tâm rèn luyện học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới lề lối làm việc, chú trọng công tác thông tin tổng hợp, nâng cao tính chủ động trong công tác tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc, chương trình công tác của UBND tỉnh; tích cực tham gia cải cách hành chính, quy chế hoá hoạt động của Văn phòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai việc áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO, cụ thể hoá các công việc trong từng nhiệm vụ được giao; tiếp tục tham mưu để kiện toàn tổ chức bộ máy, vừa có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, đồng thời tìm bổ sung nguồn cán bộ có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu từng lĩnh vực công tác. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, cơ sở Công đoàn và Đoàn Thanh niên tiên tiến xuất sắc, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; không ngừng phấn đấu đoàn kết gắn bó, giữ gìn phát huy và bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của mình, mãi mãi xứng đáng là cơ quan tham mưu và phục vụ tin cậy của UBND tỉnh. Trong bất kỳ tình huống nào, mỗi cán bộ, công chức của Văn phòng đều trung thành với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, làm việc với một tinh thần sáng tạo, một phong cách tận tụy, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân, xứng đáng với truyền thống cách mạng đã được bồi đắp 65 năm qua.

Cán bộ công chức viên chức và nhân viên Văn phòng UBND tỉnh hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9, cùng toàn Đảng toàn dân hướng về Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com