Xây dựng hệ thống GTVT toàn diện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

09:08, 27/08/2010
Lê Nguyên Khính
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải

Ra đời và trưởng thành cùng với ngành GTVT Việt Nam, trong suốt 65 năm (1945-2010) xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân lao động ngành GTVT Nam Định luôn nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống "Anh hùng, thông minh, sáng tạo", góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến (UBND tỉnh) những kỳ tích về đảm bảo giao thông đã được lập bằng ý chí quyết thắng: "Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi"; "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm"... Hòa bình lập lại, ngành GTVT tỉnh lại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới vừa phát triển GTVT phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa chi viện cho chiến trường miền Nam với những thành tựu mới, khắc phục tình trạng lạc hậu của hệ thống GTVT tỉnh nhà, phát triển nhanh và toàn diện trên các mặt từ mở mang xây dựng hệ thống cầu đường, phát triển giao thông nông thôn (GTNT), phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội; đến vận tải đường bộ, đường sông, công nghiệp cơ khí, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, bộ. Tỉnh ta là địa phương có phong trào làm đường GTNT sớm nhất miền Bắc, năm 1965 đã được Hồ Chủ tịch tặng thưởng vĩnh viễn Cờ thi đua luân lưu về thành tích làm GTNT. Trong 10 năm (1955-1964), tỉnh ta từ ban đầu mới có vài chục km đường ô tô đến cuối năm 1964 có hàng trăm km đường, cầu cống mới được xây dựng. GTNT từ chỗ chưa có thì đến cuối năm 1964 đã có 6.314km đường GTNT được nâng cấp, cải tạo với hàng triệu m3 đất được đào đắp; đóng mới hàng vạn phương tiện xe, thuyền, giải phóng đôi vai cho sản xuất và đời sống nông dân. Mạch máu giao thông đã nối liền từ thành thị đến nông thôn toàn tỉnh. Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, toàn ngành GTVT lại cùng quân và dân trong tỉnh vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải; đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống; phục vụ vận chuyển sơ tán ở địa phương và vận chuyển quân lương chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng ngàn CBCNVC, lực lượng tự vệ, Thanh niên xung phong GTVT nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Đội mưa bom, bão đạn, cán bộ công nhân giao thông vừa xây dựng và cải tạo nâng cấp các tuyến đường vòng đường tránh dự phòng cho các tuyến chính huyết mạch, để đảm bảo giao thông mỗi khi bị máy bay bắn phá ác liệt, vừa làm nòng cốt tại các điểm vượt sông và các tuyến giao thông huyết mạch bám cầu phà, bám đường, bám nhà ga, bến cảng suốt cả đêm ngày, giữ vững mạch máu giao thông, phục vụ vận chuyển bộ đội, vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm cho chiến trường.

Đất nước thống nhất, ngành GTVT lại đứng trước những nhiệm vụ lớn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, khắc phục tình trạng lạc hậu, phát triển toàn diện hệ thống GTVT phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Phát huy truyền thống vẻ vang hào hùng trong kháng chiến, toàn ngành GTVT không ngừng phấn đấu vươn lên, phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, trang bị máy móc thiết bị hiện đại, gắn các hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh. Các công trình giao thông trọng điểm như: QL21A, QL10, tuyến đường giao thông liên tỉnh như đường 12, 51, 54, 55, 56... được tập trung đầu tư xây dựng. GTNT được đẩy mạnh, có bước phát triển đồng đều và vững chắc, khai thác tiềm lực về GTVT trên địa bàn, với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm" được vận dụng sáng tạo. Hệ thống công trình giao thông, kho tàng, bến bãi được cải tạo, nâng cấp và xây dựng trên hầu hết các tuyến từ quốc lộ, tỉnh lộ đến đường thôn xóm. Cán bộ công nhân viên của ngành đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất, thực hiện phương châm "ba chính" (dân làm là chính, vật liệu tại chỗ là chính, kỹ thuật phổ cập là chính) trong công tác XDCB và phát triển GTNT. Đặc biệt trong hơn một thập kỷ trở lại đây, phát triển giao thông huyết mạch là yêu cầu "sống còn" để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn vốn khó khăn, ngành đã tham mưu với tỉnh tìm kiếm mọi khả năng, nguồn vốn từ ngân sách, tài trợ nước ngoài, tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương, những công trình giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng như: Tuyến QL 10 từ Quảng Ninh đến Ninh Bình trong đó có tuyến tránh TP Nam Định, đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của tỉnh; tuyến QL 21 Nam Định - Phủ Lý; đường S2 nối QL10 với QL21, đường tỉnh 486B (56 cũ) nối thị trấn Gôi với QL 21 (S3)... Bằng nguồn vốn chương trình WB2, WB3, WB4, JBIC, nguồn vốn địa phương, vốn của nhân dân đóng góp và của các nguồn tài trợ khác, toàn tỉnh đã cải tạo nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và các tuyến đường xã, liên xã. Hệ thống giao thông đường bộ được nâng cấp xây dựng ngày càng hiện đại với các cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, các bến phà lớn vượt sông như: cầu Tân Đệ, cầu Lạc Quần, cầu Hà Lạn, cầu Quần Liêu, bến phà Thịnh Long, bến phà Sa Cao - Thái Hạc, cầu phao Ninh Cường, Cảng Hải Thịnh; đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn chạy qua huyện Ý Yên dài hơn 16 km, tuyến QL21 đoạn thành phố Nam Định - Thịnh Long thuộc chương trình WB4, TL490C… Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng năng lực GTVT, cải thiện mạnh mẽ điều kiện đi lại của nhân dân từ thành phố đến nông thôn, tăng khả năng kết nối, hội nhập với các trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm khu vực, vùng miền. Sự phát triển GTVT cùng với các ngành lĩnh vực kinh tế khác và các điều kiện, tiềm năng vốn có đã góp phần để thành phố Nam Định được Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ xây dựng thành đô thị trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Đi đôi với phát triển hạ tầng giao thông, vận tải cũng có bước đổi mới, tăng trưởng mạnh mẽ, có đủ các loại phương tiện giao thông công cộng xe khách, taxi, xe buýt để phục vụ nhân dân. Công nghiệp cơ khí vận tải có bước phát triển đáng ghi nhận trong sản xuất đóng mới phương tiện đường bộ, đường thủy. Công tác quản lý nhà nước về GTVT trên tất cả các mặt  được tăng cường hơn, quy hoạch và quản lý quy hoạch GTVT đã được chú trọng và có tầm nhìn chiến lược theo định hướng "giao thông đi trước một bước", "giao thông đến đâu, làm giàu đến đó". Chất lượng phục vụ và trật tự trong vận tải hành khách bằng xe khách được đổi mới, tăng cường thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn thuận tiện, nhanh chóng, văn minh lịch sự. TTATGT được quan tâm thường xuyên liên tục, kiềm chế được tốc độ gia tăng TNGT. Với những thành tích, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của ngành GTVT Việt Nam, các tập thể và cá nhân CB-CNLĐ ngành GTVT tỉnh nhà đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Năm 2005 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ; hai lần (giai đoạn 1958-1962 và giai đoạn 1994-1996) được Chủ tịch nước tặng thưởng vĩnh viễn Cờ thi đua luân lưu, năm 1998 được tặng Huân chương Độc lập về thành tích phát triển GTNT; Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều phần thưởng của Bộ GTVT, UBND tỉnh. Trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của ngành, Sở GTVT được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và tỉnh nhà trong bối cảnh mới hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng toàn cầu hóa đòi hỏi GTVT phải có sự đổi mới và phát triển vượt bậc, toàn diện hơn nữa, thực sự tương xứng với vai trò là ngành kinh tế động lực, "đi trước, đón đầu", làm đòn bẩy, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển. Quy hoạch phát triển GTVT của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có điều chỉnh bổ sung phù hợp với quy hoạch vùng đã được phê duyệt với quan điểm và định hướng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cấp các công trình hiện có đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và coi trọng công tác bảo trì; đặc biệt coi trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho các khu công nghiệp, du lịch và các trục giao thông phục vụ phát triển kinh tế vùng. Phát triển cân đối, đồng bộ tạo mạng lưới liên hoàn giữa các phương thức giao thông. Tạo mọi điều kiện và biện pháp để các dự án  giao thông lớn, trọng điểm đã và sẽ được triển khai nhanh chóng, thuận lợi, kịp thời đón bắt những cơ hội đầu tư phát triển như đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa bàn tỉnh, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C, tuyến đường nối quốc lộ 21 và quốc lộ 10 có cầu Tân Phong, các dự án tuyến đường quốc lộ ven biển, đường sắt cao tốc, các tuyến đường vành đai II, III… Phát triển đồng bộ, cân đối giao thông động, giao thông tĩnh, vận tải, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu bảo đảm TTATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho GTVT tỉnh nhà trong điều kiện, tình hình và những nhiệm vụ mới, nhưng với truyền thống và kinh nghiệm quý báu trong hơn 6 thập kỷ xây dựng, phát triển đã qua của ngành, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ban ngành là những động lực, điều kiện quan trọng để CB- CNLĐ toàn ngành quyết tâm phấn đấu, thi đua hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ được giao./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com