Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội giao

07:07, 04/07/2022

Ngày 4-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022.

Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự. Tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.  Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị đã nghe dự thảo báo cáo, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; thảo luận về việc triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 vùng Thành phố Hồ Chí Minh; Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp; trong nước, mặc dù có những thuận lợi, song vẫn có những khó khăn và những vấn đề đột xuất nảy sinh... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế... tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, có mặt khởi sắc ấn tượng.

Cả nước tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,44%, là mức tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn cung, giảm bớt đà tăng giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong nước; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng; Tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”.

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 15,5% so với cùng kỳ; FDI thực hiện tăng 8,9%, cho thấy doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, giá trị tăng thêm toàn ngành quý II tăng 9,87% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, tổ chức thành công SEA Games 31; hoạt động du lịch, dịch vụ được phục hồi; quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc; các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

Về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, ước giải ngân đến 30-6-2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, trong đó có 25 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, đặc biệt có 4 cơ quan Trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn. Về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương là 92.057,861 tỷ đồng (còn lại 7.942,139 tỷ đồng chưa đủ điều kiện giao kế hoạch). Kế hoạch năm 2022 đã giao 34.049 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch năm 2022) cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó, vốn đầu tư là 24 nghìn tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 10.049 tỷ đồng. Đến ngày 1-7-2022 đã có 11 địa phương báo cáo hoàn thành việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (giao 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương còn lại giao vốn, danh mục dự án sau ngày 1-7-2022.

Về các dự án giao thông quan trọng quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến nay tiến độ các dự án cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Riêng 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có yêu cầu hoàn thành trong năm 2022, sản lượng trung bình đạt 61,3% chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch.

Về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm liên quan giáo dục, đào tạo, nhất là về vấn đề dạy - học môn Lịch sử, tăng học phí, sách giáo khoa..., Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành đang tập trung nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Bộ cũng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023; đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa.

Trước tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế và tình trạng nhân viên y tế chuyển việc, hiện nay có tình trạng thiếu thuốc và thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và Trung ương. Để khắc phục tình trạng trên, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế...

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, các đại biểu đồng ý kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra là từ 6-6,5%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com