Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

06:06, 07/06/2022

Chiều 7-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực NN và PTNT.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày và lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm trong các phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào, người đó có trách nhiệm trả lời. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung phiên chất vấn.  Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung phiên chất vấn.

Ảnh: quochoi.vn

Về nhóm vấn đề chất vấn, trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và các tiêu chí lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đề xuất chất vấn của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, các phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những vấn đề nổi lên thông qua báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 5 vấn đề trình Quốc hội xem xét, biểu quyết lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các bộ: Tài chính, NN và PTNT, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn để nâng cao hiệu lực thi hành và làm căn cứ để Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Nhóm vấn đề nông nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đó là: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.  

Theo chương trình kỳ họp, chiều 7-6 và sáng 8-6, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan sẽ mở đầu phiên chất vấn của Quốc hội. Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT  Lê Minh Hoan cho biết, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn, vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp Trung ương nhưng tổ chức thực hiện lại bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều đó cần đến sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại là câu hỏi và trả lời, chất vấn và giải trình còn là dịp để Bộ NN và PTNT lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tế cuộc sống sinh động và vận động không ngừng.

Đứng ở góc độ của Bộ NN và PTNT, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN và PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN và PTNT có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường. Bộ NN và PTNT và Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…

Sáng 7-6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com