Giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi thuỷ sản

07:03, 22/03/2022

Sáng 22-3, tại thành phố Thanh Hoá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2022. Hội nghị có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước. 

Năm 2021 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị gãy khúc, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu; giá bán sản phẩm khai thác chất lượng cao phục vụ nhà hàng giảm sâu; cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) chưa được tháo dỡ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó là những khó khăn về giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản… Tuy nhiên, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 vẫn tăng so với 2020, các chỉ tiêu về sản xuất đều đạt theo với kế hoạch, tình hình xuất khẩu đạt kết quả khả quan. Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 3,88 triệu tấn; trong đó khai thác biển đạt 3,691 triệu tấn, khai thác nội địa đạt 196 nghìn tấn. Trong 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác đạt 566,7 nghìn tấn. Trong năm 2021 nhờ thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quản lý tốt hạn ngạch về giấy phép khai thác thủy sản, tổng số tàu khai thác thủy sản giảm 3,07%, trong đó tàu xa bờ giảm 2,9%. Tính đến hết tháng 2-2022 đã có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng với 84.655 giấy phép. Các chỉ tiêu về sản xuất đều đạt theo với kế hoạch, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sản phẩm khai thác tăng 0,9%. Năng suất khai thác thủy sản tính bình quân trên từng tàu tăng 3,5% là những kết quả rất đáng khích lệ về chỉ đạo điều hành của Bộ và các địa phương trong lĩnh vực khai thác thủy sản năm 2021. Đáng lưu ý, việc ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) được Ủy ban châu Âu đánh giá cao, ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Đặc biệt là cam kết thể hiện bởi các cấp chính trị cao nhất từ Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đối với vấn đề chống khai thác IUU, tiếp tục khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin.

Theo Bộ NN và PTNT, năm 2022 được xem là năm bản lề cho việc triển khai phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, khi một loạt các quy hoạch, chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản được Chính phủ phê duyệt. Vì thế ngành Nông nghiệp phấn đấu duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản; trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 37-39%.

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ sẽ quyết liệt chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, đặc biệt là việc duy trì kết nối trong suốt thời gian tàu hoạt động. Đồng thời tăng cường kiểm soát tàu cá rời cảng và về cảng; đảm bảo thực hiện đúng quy định về khai báo và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng. Tiếp tục điều tra nghề cá thương phẩm phục vụ việc đánh giá, xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép trên các vùng biển, nghề một cách hợp lý và bền vững. Ngoài ra, việc quản lý tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản trên biển; quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được tiếp tục đẩy mạnh. Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản phải nghiên cứu cơ cấu lại đội tàu, phấn đấu giảm đội tàu khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đồng thời rà soát lại cơ cấu nghề, sớm xây dựng đề án chuyển đổi nghề. Tiếp tục điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác, quản lý tàu cá, cơ sở hạ tầng nghề cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển.

Theo mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2030 là giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và phải thúc đẩy phát triển thủy sản thì mới đạt được chỉ tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp. Để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, thời gian tới, các đơn vị, các địa phương có biển cần tăng cường thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn luật và đặc biệt là các khuyến nghị của EC./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com