Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị Ngoại giao lần thứ 31

03:12, 15/12/2021

Ngày 15-12, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" đã khai mạc tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị trực tiếp tại đầu cầu nhà làm việc Bộ Ngoại giao có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...

Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Dự hội nghị về phía tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm rất quan trọng khi ngành Ngoại giao cùng đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, hội nghị được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra rất thành công ngày 14-12, qua đây đã khẳng định quyết tâm rất cao của toàn ngành Ngoại giao trong việc quán triệt và đưa các chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc sớm đi vào triển khai, thực hiện. Bộ trưởng khẳng định, muốn xây dựng được nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, trước hết cần xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, bởi ngành Ngoại giao là lực lượng nòng cốt của nền ngoại giao Việt Nam với ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Vì vậy, hội nghị lần này sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, làm rõ nội hàm, xác định phương hướng, kế hoạch và biện pháp xây dựng và phát triển ngành ngoại giao toàn diện và hiện đại. Trong đó, tập trung vào biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vững mạnh về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng; kiện toàn bộ máy, phương thức, cơ chế vận hành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhất là cơ chế phối hợp đồng bộ thông suốt, chặt chẽ và hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngành Ngoại giao với các ban, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức trong hệ thống chính trị. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt khi được diễn ra ngay sau Hội nghị đối ngoại toàn quốc, đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong bối cảnh thế giới còn có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này đã thể hiện sự quyết tâm, tính chiến đấu của toàn ngành Ngoại giao. Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương một số thành tựu xuất sắc mà ngành Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua: đó là nắm chắc tình hình, dự báo chiến lược để kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành các hoạt động đối nội, đối ngoại. Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà đất nước đảm nhiệm tại các tổ chức quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020. Chính phủ thành lập Tổ công tác về ngoại giao vắc-xin do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng đang đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống dịch COVID-19. Thông qua đường ngoại giao, từ một nước tiếp cận vắc-xin COVID-19 chậm trở thành một nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, giúp Việt Nam chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Công tác ngoại giao làm cho bạn bè quốc tế yêu mến, quý trọng, tin tưởng và giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn; từ đó triển khai hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Lực lượng ngoại giao Việt Nam trưởng thành hơn về mọi mặt từ tư duy đến hành động và hiệu quả. Thời gian tới, ngành Ngoại giao cần tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, linh hoạt thích ứng với tình hình mới nhằm đóng góp tích cực hơn, đưa đất nước ta hội nhập sâu rộng với khu vực, quốc tế./.

Tin, ảnh: Xuân Thu

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com