Nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm

06:11, 11/11/2021

Sáng 11-11, phát biểu kết thúc phần chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ‘’lao động - thương binh và xã hội’’ tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Phiên chất vấn đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống mà người dân, người lao động, người sử dụng lao động rất quan tâm.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham dự phiên chất vấn tại Hội trường.  Ảnh: PV

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham dự phiên chất vấn tại Hội trường.

Ảnh: PV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề lao động, việc làm và vấn đề xã hội nói chung, nhất là trong điều kiện bị tác động nặng nề do dịch COVID-19 và những định hướng giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển thị trường lao động, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề bức thiết nhận được sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm rất cao đối với đồng bào và cử tri cả nước. Các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi đúng và trúng, nội dung ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống mà người dân, người lao động, người sử dụng lao động rất quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua chất vấn đã tập trung làm rõ thêm các vấn đề cơ bản. Theo đó, dịch COVID-19 nhất là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người dân và doanh nghiệp. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có phần trách nhiệm quản lý Nhà nước, hơn 1,3 triệu người dân đã lần lượt rời bỏ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam về quê. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ cần phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời có giải pháp tổng thể để phục hồi phát triển thị trường việc làm trong cả nước, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm và giải quyết việc làm sinh kế cho người lao động ở các tỉnh, thành phố khác. Tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ lao động và người lao động đảm bảo mọi người được tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực khả thi, đặt trong tổng thể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong và hậu đại dịch COVID-19 trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Lưu ý các vấn đề bình đẳng giới, hỗ trợ người lao động nữ, lao động nhập cư, lao động tự do trong khu vực phi chính thức và những người yếu thế trong xã hội, lưu ý các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra trong việc thích ứng, thực hiện mô hình sản xuất trong điều kiện dịch bệnh như “một cung đường hai điểm đến”, “3 tại chỗ”… mà các ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu. Tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em đặc biệt là bảo trợ xã hội đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, tuyệt đối không để các em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa; tiếp tục tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em. Nâng cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện. Với thực trạng lao động hiện nay do tác động của đại dịch COVID-19, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tổng thể việc sắp xếp phân bổ lại dân cư và lao động trong phạm vi cả nước, gắn với xây dựng và đảm bảo nhà ở, cơ sở vật chất, các thiết chế y tế - giáo dục - văn hóa cho người lao động nhằm phát triển thị trường lao động bền vững, tiếp tục củng cố quan hệ lao động hài hòa và ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chủ trương giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch COVID-19 bằng hình thức trực tuyến. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đề xuất. Đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương để tổ chức thật tốt Lễ tưởng niệm này.

Trong ngày 11-11, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo; Công tác dạy và học trực tuyến, giảm tải chương trình, bảo đảm công bằng trong dạy học, an toàn y tế trường học, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia...; việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới. Các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển. 

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và một số bộ, ngành cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình những vấn đề có liên quan./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com