Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9

07:10, 03/10/2021

Sáng 2-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 9 và 9 tháng năm 2021; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH tháng 10 và các tháng còn lại của năm 2021; xem xét các đề án xây dựng luật và một số vấn đề quan trọng khác.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, các Ủy ban của Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh cả nước vừa phải chống dịch thành công, vừa phải khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; sau khi có Kết luận Hội nghị Trung ương 3, khóa XIII, thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, sự ủng hộ, phối hợp của Quốc hội, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế; đến nay chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên toàn quốc. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, song cũng không cực đoan để mở cửa có lộ trình để khôi phục, phát triển KT-XH.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc phục hồi, phát triển KT-XH phụ thuộc rất lớn vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đồng thời linh hoạt sáng tạo trong thực hiện chỉ đạo. Củng cố hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở; tiếp tục 5K + vắc-xin, thuốc + công nghệ + ý thức của người dân để phòng, chống dịch hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý tới việc chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch COVID-19. Về giá xét nghiệm, kít xét nghiệm COVID-19, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ, kịp thời thông tin tới công chúng, nhân dân. 

Thủ tướng yêu cầu các ngành, đơn vị khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tháng 10-2021; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; xây dựng, áp dụng các chính sách thỏa đáng cho lực lượng tuyến đầu; huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch; có chế độ khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi sai trái, vi phạm quy định phòng, chống dịch; tăng cường thông tin truyền thông, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch, trong đó tập trung nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân, tạo đồng thuận xã hội…

Về tình hình phát triển KT-XH, Thủ tướng khẳng định, trong quý 4-2021 Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh các biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn, tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022 đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ; theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung thực hiện thật tốt các nhiệm vụ phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược tổng thể khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới từ 1-10-2021 đồng bộ với Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Các địa phương căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển KT-XH. Các bộ, ngành, cơ quan phối hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tạo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA; đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả; nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU; triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; giúp các doanh nghiệp giữ các đơn hàng, nhất là vào mùa cao điểm; khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); dự báo cung cầu hàng hóa cuối năm để cung ứng và ổn định giá cả thị trường, gắn với kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giá, hành vi đầu cơ, găm hàng để trục lợi.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác xây dựng thể chế; tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ bằng được các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ người dân; đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học khi an toàn; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội, đặc biệt đấu tranh phản bác kịp thời trước các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, kẻ xấu nhằm tăng niềm tin của nhân dân, an lòng dân./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com