Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

06:01, 08/01/2021

Ngày 8-1-2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh...

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu  dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Trong giai đoạn 2016-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, Bộ KH và ĐT đã có nhiều đổi mới, cải cách mạnh mẽ, đề ra phương châm hành động, tham mưu cho Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới và cùng với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước; phần lớn các đề án, phương án, kiến nghị của Bộ trình đã được cấp trên chấp nhận và công bố thực hiện. Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa các cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong 5 năm qua, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong năm 2021, Bộ KH và ĐT đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ. Tập trung vào các khâu đột phá chiến lược, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, quan trọng phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Chủ động nghiên cứu, đề xuất những chính sách cụ thể để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tổ chức xây dựng và triển khai ngay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế; tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư... Triển khai các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực và giảm chi phí dịch vụ logistics; thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, để khai thác và tận dụng các ưu đãi, nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn. Rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tăng cường đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, triển khai chế độ báo cáo, xử lý công việc trên môi trường mạng và họp trực tuyến. Phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh việc lập và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn giai đoạn 2021-2030. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ…

Tin, ảnh: Thành Trung

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com