Tiếp sức cho đà phục hồi sản xuất công nghiệp

06:10, 07/10/2020

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể. Mặc dù thời điểm cuối tháng 7 dịch bùng phát trở lại, nhưng đến nay đã cơ bản được kiểm soát, do đó nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta đã bước vào trạng thái bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nam Tiến, xã Nam Tiến (Nam Trực).  Ảnh: Thanh Thúy

Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nam Tiến, xã Nam Tiến (Nam Trực).

Ảnh: Thanh Thúy

Vẫn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 2,3% so tháng 8 và tăng 3,8% so cùng kỳ. Mặc dù sản xuất công nghiệp (SXCN) đang dần khôi phục, tuy nhiên vẫn còn chậm do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ, nhiều ngành sản xuất quan trọng vẫn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, dưới tác động của dịch COVID-19, dệt may, da giày, du lịch, hàng không là những ngành chịu thiệt hại lớn nhất.

Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD. Nhưng năm nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng dệt may của thế giới chỉ đạt khoảng 600 đến 640 tỷ USD, giảm 15 đến 20%, thậm chí có thể giảm tới 25% so với năm 2019. Đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các DN đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau, tuy nhiên, hiện chỉ nhận đơn hàng theo từng tháng, thậm chí từng tuần. Các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều DN may là vét-tông, sơ-mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quý cuối năm. Tương tự với da giày, dự báo đầu ra của ngành này tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này, gia tăng xuất khẩu, nhiều DN trong ngành đã lên phương án như: Tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Điểm sáng hiếm hoi là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học vẫn duy trì được tăng trưởng khá. Cụ thể, tính chung 9 tháng, IIP của ngành tăng 8,6% so cùng kỳ. Riêng trong tháng 8, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 23,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng đạt 31,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành điện tử dự kiến vẫn bị ảnh hưởng trong quý tiếp theo do diễn biến dịch bệnh phức tạp làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và EU.

Nhiều giải pháp trọng tâm

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp nhằm lấy lại đà tăng trưởng của SXCN. Trước hết, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện, nhất là các dự án trọng điểm cấp bách nhằm giải quyết vướng mắc cho các dự án như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2,... Kiên quyết xử lý các dự án có tiến độ triển khai chậm, trì trệ, làm ảnh hưởng đến cung ứng điện. Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày cũng như các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Riêng ngành dệt may, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng như các hiệp hội, DN và đơn vị tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, các đơn vị phân phối để tạo điều kiện, khuyến khích, kết nối các DN chuyển đổi từ dệt may quần áo sang dệt may khẩu trang vải. Nhiều DN dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn - kháng khuẩn hoặc thông thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phòng, chống dịch trong nước, bình ổn thị trường. Đồng thời, Bộ cũng giới thiệu, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, tạo công ăn việc làm cho lao động dệt may, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn thiếu đơn hàng xuất khẩu quần áo.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu trong lĩnh vực SXCN. Trong đó, xác định trọng tâm là tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho SXCN, nhất là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn, có ưu thế của Việt Nam theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc số ít đối tác hay thị trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với một số DN FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota,... tăng cường tìm kiếm các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn và dài hạn.

Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho SXCN trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ đẩy mạnh triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tiếp đó, từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Tăng cường nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh, đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com