Cục Thống kê tỉnh họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội tỉnh 6 tháng đầu năm 2020

07:06, 29/06/2020

Ngày 29-6, Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo, công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh đã công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 và kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Cục Thống kê, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng với sự chỉ đạo sát sao, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 vẫn duy trì ổn định và phát triển, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác phòng dịch COVID-19 được triển khai quyết liệt, chặt chẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước đạt 21.545 tỷ đồng, tăng 4,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 5.133 tỷ đồng, tăng 1,70% và đóng góp 0,42 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng ước 8.137 tỷ đồng, tăng 7,23% và đóng góp 2,66 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ ước 7.721 tỷ đồng, tăng 3,04% và đóng góp 1,10 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 554 tỷ đồng, tăng 4,44%. GRDP theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm ước đạt 36.062 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38%; khu vực dịch vụ chiếm 34,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,5%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 10.621 tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.352,1 tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa 2.168,1 tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, giảm 11,3%; thu thuế xuất, nhập khẩu 166 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 6.763,4 tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán năm và tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư phát triển ước đạt 16.020,5 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội được ưu tiên đảm bảo vốn. Thời tiết thuận lợi cho gieo trồng nên sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; vụ lúa xuân được mùa, sản lượng thủy sản tăng khá, chăn nuôi gia cầm phát triển; bệnh dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát; tuy nhiên việc tái đàn lợn còn chậm, diện tích đất trồng lúa bỏ hoang nhiều...

Theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp của Cục Thống kê tỉnh: Tại thời điểm điều tra (10 đến 20-4-2020) cho thấy có 79,1% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động của dịch bệnh. Trong đó phân theo quy mô doanh nghiệp: doanh nghiệp nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất là 90,9%; 90,3% doanh nghiệp lớn; 88,6% doanh nghiệp vừa và 71,9 doanh nghiệp siêu nhỏ. Tính theo ngành kinh tế: có 94,7% doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ ăn uống; 94,7% doanh nghiệp sản xuất máy móc thiết bị; 90,8% doanh nghiệp ngành dệt, tiếp đó là doanh nghiệp thuộc các ngành may trang phục, sản xuất da và các sản phẩm liên quan, dịch vụ lưu trú, giáo dục và đào tạo...

Sau khi cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có tín hiệu phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 5,20% so với cùng kỳ năm ngoái; đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cung cầu hàng hóa trên địa bàn được đảm bảo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển, đời sống nhân dân ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên theo Cục Thống kê tỉnh, để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, nền kinh tế của tỉnh cần khắc phục những hạn chế: Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm; sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm mũi nhọn; chưa có nguồn thu ngân sách lớn ổn định; việc làm và thu nhập của người lao động còn khó khăn./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com