Chính sách mới về hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

07:06, 25/06/2020

Ngày 23-6-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 21/2020/QĐ-UBND quy định hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Quyết định 21 có hiệu lực thi hành từ ngày 6-7-2020, thay thế Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 27-6-2008 của UBND tỉnh về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp đối với hoạt động khuyến khích phát triển một số ngành nghề nông thôn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh quy định các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia hoạt động xúc tiến thương mại được hỗ trợ theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP. Các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở các lớp truyền nghề được hỗ trợ chi phí lớp học theo Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 4-5-2020 của UBND tỉnh về mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ từ các nguồn: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. 

Dự án phát triển ngành nghề nông thôn được sử dụng ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ các nội dung: Mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo dự án; tập huấn cho người tham gia dự án, tổng kết dự án; quản lý dự án; kiểm tra giám sát. Trong đó, dự án cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 150 triệu đồng/dự án; Các dự án phát triển ngành nghề nông thôn khác thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 52/2018/NĐ-CP; Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát dự án phát triển ngành nghề nông thôn được hỗ trợ tối đa không quá 5% tổng kinh phí hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn. Các làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn gồm xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn. Ngoài ra, UBND tỉnh còn quy định: Nếu UBND tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống được hỗ trợ 20 triệu đồng, làng nghề được hỗ trợ 25 triệu đồng, làng nghề truyền thống hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ được cấp cho UBND cấp xã nơi đó. Hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề theo nguyên tắc ưu tiên làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com