Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân cuối vụ

07:05, 14/05/2020

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), đến ngày 14-5 lúa xuân toàn tỉnh đã trỗ được 58.500ha (81% diện tích), dự kiến đến ngày 20-5 toàn bộ lúa xuân của tỉnh sẽ trỗ bông xong. Hiện, rầy lứa 3 (chủ yếu rầy nâu) đang bắt đầu nở rộ với mật độ rất cao, diện phân bố rộng hơn so với cùng kỳ năm trước; mật độ phổ biến 500-700 con/m2, nơi cao 2.000-4.000 con/m2, cá biệt có nơi trên 1 vạn con/m2. Hiện thời tiết nắng nóng kết hợp có mưa xen kẽ sẽ rất thuận lợi cho rầy phát sinh và gia tăng mật độ, nhất là ở các huyện phía nam tỉnh. Dự kiến toàn tỉnh có khoảng 15 nghìn ha (20% diện tích) cần trừ rầy.

Trước tình hình trên, để bảo vệ tốt dàn lúa xuân cuối vụ, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phát động nông dân tự kiểm tra đồng ruộng để xác định và khoanh vùng những nơi, những diện tích nhiễm rầy mật độ cao; chú ý kiểm tra ở những vùng thường xuyên bị nhiễm rầy ở các vụ trước để phun trừ kịp thời, hiệu quả, an toàn môi trường. Tổ chức phun trừ rầy tập trung từ ngày 17 đến 22-5 cho những diện tích có mật độ rầy lớn hơn 50 con/khóm (lớn hơn 2.000 con/m2) khi rầy ở tuổi 1-3; sử dụng một trong các loại thuốc nội hấp - không phải rẽ hàng có hoạt chất Nitenpyram (Dyman 500WP, Florid 700WP, Ramsuper 75WP, Startcheck 755WP...), hoạt chất khác (Palano 600WP, Silwet 300WP…); hạn chế sử dụng thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl. Tổ chức phun đúng, đủ liều lượng thuốc, đảm bảo 32-48 lít nước thuốc/sào; sau phun thuốc 3 ngày cần kiểm tra lại, nếu mật độ rầy còn lớn hơn 50 con/khóm phải phun lại. Trường hợp lúa chín trên 80% mà có mật độ rầy cao nên gặt “chạy rầy”. Tiếp tục phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trỗ 3-5% số bông (cho các giống nhiễm bệnh), đặc biệt là những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa. Hiện nay, bệnh gây bạc là gây hại nhẹ và chưa có thuốc đặc trị vì vậy khi lúa bị bệnh, phải giữ nước trong ruộng, ngừng bón các loại phân, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ bệnh tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com