Tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

07:05, 17/05/2020

Ngày 15-5-2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 401/UBND-VP3 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. 

Những tháng đầu năm, tình hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh xuống giống chậm so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các hộ NTTS không nhập được con giống. Đến tháng 4-2020, toàn tỉnh thả trên 85% diện tích nuôi nước ngọt, 2.300ha tôm sú nuôi xen canh, 250ha tôm thẻ chân trắng. Hiện tại, dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm an toàn, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh trên động vật thủy sản phát sinh và lây lan rất cao do tác động bất lợi của môi trường, thời tiết chuyển mùa nắng nóng, mưa bão; công tác kiểm dịch, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh con giống, xử lý ổ dịch chưa hiệu quả; công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương không được thực hiện thường xuyên, liên tục; các hộ NTTS chưa thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không chủ động khai báo thông tin thủy sản bị thiệt hại. 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, ổn định sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về thú y, các biện pháp phòng, chống dịch động vật thủy sản, bảo đảm các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, chính quyền địa phương trong việc chủ động thực hiện phòng, chống dịch. Hướng dẫn người nuôi thả giống theo đúng lịch thời vụ và chủ động áp dụng các nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động; xử lý tốt nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi và xử lý môi trường ao nuôi, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng; khi phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh phải khai báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Tổ chức triển khai quan trắc, cảnh báo môi trường NTTS tại các nguồn cấp và vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo, ứng phó trước tình hình xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu bất thường; định kỳ lấy mẫu giám sát chủ động các biện pháp nguy hiểm ở thủy sản nuôi để xét nghiệm cảnh báo sớm dịch bệnh và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo chính quyền cơ sở, nhất là mạng lưới thú y, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ nuôi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch. Khi phát hiện thủy sản nuôi có hiện tượng chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan thú y để kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý phù hợp, không để dịch lây lan diện rộng. 

Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch thủy sản giống xuất nhập vào tỉnh; chú trọng kiểm tra, giám sát dịch bệnh và chất lượng của con giống thủy sản nhập vào địa bàn; kiểm tra việc kinh doanh hóa chất, thuốc thú y thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường lưu thông trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật. Hướng dẫn người nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ trong NTTS thâm canh để nâng cao giá trị sản phẩm; hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra tại các hộ nuôi, vùng nuôi ở các xã trọng điểm NTTS; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. 

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn theo Luật Thú y và Quyết định số 2938/QĐ-UBND ngày 29-11-2007 của UBND tỉnh về việc thành lập mạng lưới thú y và chế độ phụ cấp đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn; chỉ đạo đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thông tin, báo cáo công tác NTTS và dịch bệnh trên địa bàn để thống kê, báo cáo dịch bệnh được nhanh, chính xác, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Khuyến khích hỗ trợ, hướng dẫn và đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2-6-2016 của Bộ NN và PTNT./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com