Khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

07:05, 11/05/2020

Sáng 11-5, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc.

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội XIII của Ðảng.

Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10-2019) đến nay; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Ðảng năm 2019; bàn và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu bật một số vấn đề, có tính chất gợi mở để Trung ương quan tâm nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, từ nay đến Ðại hội Ðảng toàn quốc, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Ðại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung công sức cho việc chuẩn bị nhân sự Ðại hội theo quy định của Ðiều lệ Ðảng. Ðây là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi chúng ta phải dày công chuẩn bị theo quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được bàn tại các Hội nghị tiếp theo.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Ðảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn đảng và cả hệ thống chính trị ở nước ta. Chúng ta đã trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Dự báo những năm sắp tới, thời cơ và thách thức đối với nước ta đều rất lớn. Do đó, cần tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng giữa hai kỳ Ðại hội Ðảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Ðảng, toàn dân tộc. Ðây là công việc hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Ðảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung ương nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Ðồng chí lưu ý, cần nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Ðảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm? Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Ðảng, đặt sự nghiệp chung của Ðảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền...

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị.

Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua, Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao và Ðảng đoàn Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Ðề án về nội dung này. Cho rằng bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đồng chí đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Ðề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử. Chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân phường; ngày bầu cử dự kiến... và các công việc tổ chức triển khai thực hiện Ðề án.

Về số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, Ban Chấp hành Trung ương có nhiệm vụ quyết định việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội Ðảng toàn quốc. Trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm việc phân bổ đại biểu ở một số Ðại hội Ðảng toàn quốc gần đây (các Ðại hội X, XI, XII), Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương. Theo đó, nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Ðảng, bảo đảm thành công của Ðại hội. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Ðại hội Ðảng dựa trên ba tiêu chí: Ðầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ. Theo kinh nghiệm các khóa trước đây, việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội toàn quốc của Ðảng theo các nguyên tắc và căn cứ nêu trên về cơ bản đều được các cấp ủy, tổ chức đảng đồng tình. Ðiều quan trọng nhất là phải lựa chọn đúng và bầu được các đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Ðại hội Ðảng toàn quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ đại biểu; việc dự kiến phân bổ số lượng cụ thể như đã nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị và các phụ lục số liệu kèm theo. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định cụ thể số lượng đại biểu của từng đảng bộ dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.

Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII diễn ra trong thời điểm cả nước đang kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần khơi dậy trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta niềm tự hào về Ðảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, vẻ vang của Ðảng và dân tộc, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng, bảo đảm cho thành công của Hội nghị.

Dự kiến, Hội nghị sẽ họp đến ngày 14-5./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com