Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019

07:05, 20/05/2020

Sáng 19-5, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Công bố Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì hội nghị.

Kết quả chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung vào 2 nhóm điểm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 3 đơn vị là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; Nhóm B đạt kết quả chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong công tác CCHC năm 2019. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đối với các địa phương xếp hạng đầu bảng nhưng luôn phải đánh giá mình trên tinh thần hết sức cầu thị để nâng cao kết quả phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp. “Cải cách là để làm cho bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức phải biết đề cao ý thức là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, không được sách nhiễu nhân dân”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục ngay trong công tác CCHC như: Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi CCHC là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, lãnh đạo chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mực trong thúc đẩy cải cách để tạo chuyển biến trong hoạt động quản lý Nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội; việc triển khai xây dựng và duy trì Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống một cửa điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường mạng của các bộ, ngành, địa phương còn chậm; việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn chưa thật hiệu quả…

Phó Thủ tướng yêu cầu, đến tháng 6-2020 hoàn thành việc gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền, nâng tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng theo chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm đổi mới lề lối, phương thức làm việc, góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử. Sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương cần bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19. Với những quyết tâm, nỗ lực hơn trong công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ CCHC trong năm 2020 và những năm tiếp theo, nước ta sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com