Tăng cường phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ đông xuân ở các tỉnh phía Bắc

08:04, 07/04/2020

Ngày 7-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ đông xuân tại các tỉnh phía Bắc (từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra). Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Hiện nay, ở 31 tỉnh, thành phố phía Bắc có trên 1,1 triệu ha lúa đông xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt; trong đó, vùng Bắc Trung Bộ khoảng 351 nghìn ha, vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc khoảng 755 nghìn ha. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, trà lúa sớm diện tích xấp xỉ 93 nghìn ha đang trong giai đoạn đòng già - trỗ - ngậm sữa; trà lúa chính vụ xấp xỉ 221 nghìn ha đang giai đoạn làm đòng; trà lúa mùa muộn diện tích trên 37.500ha đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái. Dự kiến đến ngày 15-4 lúa trỗ khoảng 84 nghìn ha và trỗ từ 15-4 đến đầu tháng 5 khoảng 183 nghìn ha. Tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, trà mùa sớm diện tích trên 43 nghìn ha đang trong giai đoạn đòng, đòng già, sắp trỗ; trà chính vụ diện tích 223 nghìn ha giai đoạn phát triển đòng; trà muộn diện tích hơn 466 nghìn ha giai đoạn cuối đẻ nhánh - phân hóa đòng. Dự kiến lúa trỗ trước ngày 20-4 khoảng 100 nghìn ha; lúa trỗ từ ngày 20 đến 30-4 khoảng 260 nghìn ha; lúa trỗ từ 1 đến 10-5 trên 300 nghìn ha và lúa trỗ sau ngày 10-5 khoảng 80 nghìn ha. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh hại phát sinh, lây lan gây hại lúa và cây màu. Các bệnh đạo ôn lá, cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ đang có chiều hướng gia tăng so với vụ xuân năm ngoái. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có hơn 277ha nhiễm sâu keo mùa thu hại ngô, tăng 176,6ha so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc có 496ha nhiễm, mật độ phổ biến 2-5 con/m2, cá biệt 10-20 con/m2. Sâu keo mùa thu đã xuất hiện gây hại tại 21 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, dịch hại lúa, cây màu vụ đông xuân, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 3-4-2020 về tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại lúa đông xuân ở các tỉnh phía Bắc. Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc đã có 2 văn bản hướng dẫn về phòng, chống bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các trung tâm bảo vệ thực vật vùng cử cán bộ trực tiếp kiểm tra tình hình sinh vật gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá và rầy nâu, rầy lưng trắng ở các tỉnh trọng điểm. Các tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo sản xuất, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài… thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh hại cây trồng phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ. Sâu non, sâu keo mùa thu tiếp tục gây hại trên ngô giai đoạn xoáy nõn - trỗ cờ và lứa sau sẽ chuyển sang gây hại trên ngô hè thu sớm - chính vụ ngay từ khi ngô 3 lá đến giai đoạn trỗ cờ phun râu. Bệnh khảm lá sắn có nguy cơ cao lây lan gây hại trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và lây lan ra các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Châu chấu non đang nở và bắt đầu gây hại ở các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên và sẽ tiếp tục nở rộ trong tháng 4; đây là thời điểm quan trọng nhất để xác định các ổ châu chấu nở và gây hại từ nay đến trước khi tìm nơi đẻ trứng tập trung. Do vậy, các địa phương cần tổ chức điều tra, theo dõi chặt chẽ các ổ trứng của châu chấu tre lưng vàng, tổ chức phòng trừ kịp thời khi châu chấu non mới nở. Châu chấu sa mạc là loài sinh vật gây hại nguy hiểm, đang di chuyển thành từng đàn lớn ở các nước châu Phi, Tây Á. Tuy chưa từng xuất hiện tại Việt Nam nhưng không thể chủ quan vì trên thực tế sâu keo mùa thu từ châu Mỹ đã nhanh chóng xâm nhập vào nước ta chỉ trong một thời gian ngắn.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất vụ đông xuân đối với việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố phía Bắc nói riêng và đất nước nói chung. Hiện, sản xuất nông nghiệp đang phải đối diện với tình hình khó khăn không chỉ do dịch bệnh COVID-19 mà còn vì thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thuận và các loại dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan và gây hại. Nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho đất nước và tận dụng thời cơ để xuất khẩu, nâng cao giá trị thu nhập. Trước những yêu cầu trên, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đối với cây lúa cần phân rõ từng trà lúa, xác định rõ đối tượng, vị trí để chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Các cơ quan chuyên môn cần bám sát thực địa, phân công cán bộ kỹ thuật giám sát, điều tra để có những dự tính, dự báo cụ thể, chính xác, tạo cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện hiệu quả biện pháp, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm. Chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý tốt giá bán, chất lượng các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại. Đối với các loại cây trồng khác cần chú ý các đối tượng sâu keo mùa thu, châu chấu tre lưng vàng, bệnh khảm lá sắn; tập trung giám sát cao độ đối với những vị trí dễ có khả năng phát sinh châu chấu sa mạc; tổ chức phát triển các loài sinh vật là thiên địch của sâu bệnh để góp phần bảo vệ mùa màng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu về năng suất, sản lượng vụ đông xuân đã đề ra trong bối cảnh khó khăn hiện nay./.

Tin, ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com