Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại lúa

07:04, 22/04/2020

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang nở rộ, mật độ sâu phổ biến 50-70 con/m2, cao 200-300 con/m2, cục bố 1.000 con/m2, sâu tiếp tục gia tăng mật độ trong thời gian tới. Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, có mật độ cao, lứa kéo dài, mức độ gây hại cao gấp 3-4 lần vụ xuân 2019. Nếu không tổ chức phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa. Dự kiến, toàn tỉnh cần phun trừ khoảng 68 nghìn ha (93% diện tích). Ngoài ra, rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) đã và đang nở rộ, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 2.000-3.000 con/m2. Rầy lứa 2 có mật độ cao và phân bố chủ yếu ở các huyện phía nam và phía bắc tỉnh gây hại cục bộ. Ngoài ra, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ ngày 23-4 sẽ có đợt không khí lạnh gây ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, trong đó có tỉnh ta kèm theo mưa ẩm kéo dài, có nơi mưa vừa, mưa to và giông lốc. Đây là điều kiện rất thuận lợi gây nguy cơ bùng phát trên diện rộng các đối tượng sâu, bệnh, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đồng thời gây khó khăn trong việc tổ chức phòng trừ dịch hại.

Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố nắm chắc diễn biến sinh trưởng các trà lúa và tiến độ lúa trỗ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có kế hoạch phòng trừ kịp thời sinh vật gây hại trên lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm; sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy lưng trắng và bệnh khô vằn. Trước mắt tổ chức đợt cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, kết hợp với rầy lứa 2 và bệnh khô vằn tập trung từ ngày 22 đến 30-4 theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, phun phòng bệnh lúc lúa trỗ 3-5% số bông (ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau) cho các giống nhiễm như: Đài thơm 8, X21, BC15, KD18, Q5, QR1, Nếp, Thiên ưu 8… đặc biệt là trà lúa trỗ bông trước ngày 10-5, những diện đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa. Lưu ý, do sâu cuốn lá có mật độ rất cao cùng với thời tiết có mưa nên chỉ sử dụng thuốc có hiệu lực cao kéo dài, bám dính tốt, ít rửa trôi như hoạt chất Indoxacarb… Sau phun 5 ngày, kiểm tra ruộng nếu còn mật độ sâu sống từ 50 con/m2 trở lên cần phải phun lại. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân không bón phân Urê đón đòng (khi lúa ôm đòng sắp trỗ) để tạo giàn lúa khoẻ, giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của bệnh bạc lá do hiện nay bệnh bạc lá chưa có thuốc đặc trị. Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhất là những trường hợp kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng hoặc bán kèm nhiều loại thuốc không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành./.

Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com