Triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ xuân

08:03, 24/03/2020

Sáng 24-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2020.

Quý I-2020, các hộ chăn nuôi lợn bắt đầu nhập giống tái đàn. Các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý việc phát triển chăn nuôi và tái đàn lợn theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Theo thống kê của các địa phương, đến nay đã tái đàn được gần 100 nghìn con lợn. Các huyện, thành phố hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện phát triển sản xuất chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, tiếp tục triển khai các hoạt động dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp. Từ ngày 6-1-2020, toàn bộ 214 xã, phường, thị trấn có dịch trên địa bàn tỉnh đã không phát sinh lợn ốm, chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 21-2-2020, tất cả các xã có dịch đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Căn cứ đề nghị của các địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở NN và PTNT trình UBND tỉnh, Sở Tài chính hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi đến hết năm 2019; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho lực lượng tại chốt kiểm dịch động vật của tỉnh; lực lượng thú y tham gia phòng, chống dịch. Chi cục đã kiểm tra, cấp 1.083 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được 13.709 con lợn, 781.642 con gia cầm giống, 416.854 con gia cầm thịt, 1.232 con trâu, 3.000 con thỏ, 1.500 con chim; 58.950 quả trứng gia cầm; 764.268kg sản phẩm động vật.

Hiện, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nắng mưa xen kẽ làm giảm sức đề kháng của các đối tượng nuôi, đồng thời là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Vì vậy nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trong thời gian tới rất cao. Trước tình hình trên, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh. Tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi, nhất là việc tái đàn lợn. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất an toàn sinh học gắn với xử lý tốt chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, không để dịch lây lan trên diện rộng, đặc biệt dịch cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm, long móng, tai xanh... Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt đợt tiêm vắc xin vụ xuân cho đàn gia súc, gia cầm; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; chủ động tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt để tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán và khu vực giết mổ gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ; xử lý tốt chất thải chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc nhập động vật, sản phẩm động vật vào tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp, con giống không đúng quy định, đặc biệt việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi thủy sản, giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới các đối tượng có liên quan về Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật An toàn thực phẩm; biện pháp an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi, chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ; nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, các biện pháp phòng, chống dịch./.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com