Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp

06:02, 23/02/2020

Sáng 21-2, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên cả nước về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT); Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở: NN và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT), Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số doanh nghiệp của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị trực  tuyến tại đầu cầu tỉnh ta.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu tỉnh ta.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể; hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm; đã hình thành và phát triển trên 7.500 cơ sở công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản quy mô công nghiệp và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng 8-10%/năm; năm 2019 đạt mức 41,3 tỷ USD. Sản phẩm chế biến nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 186 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cả nước có khoảng 580 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp; tổng sản lượng chế biến công nghiệp đạt 13,5 triệu tấn quy gạo, chiếm 55-60% sản lượng chế biến; có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm; sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đạt khoảng 4,5-5 triệu tấn/năm... Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh. Năm 2019, số lượng máy kéo tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29% so với năm 2011. Mức độ cơ giới hóa một số khâu thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản... đang có xu hướng tăng nhanh. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn ngành. Tuy nhiên, trước mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản và nâng cao trình độ, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. 

Mục tiêu từ nay đến năm 2030, cả nước tiếp tục tập trung nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành Nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành phát triển hệ thống logistics đồng bộ nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản. Phát triển vùng nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao. Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị cơ giới hóa trong nông nghiệp và chế biến nông sản để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá trị gia tăng cao, hạ giá thành và có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Áp dụng KHCN, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp để bảo đảm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ KHCN, có kiến thức về kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng tăng cường năng lực, nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp; sản phẩm chế biến đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, loại cây trồng, vật nuôi, nhất là những vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung đều được cơ giới đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu mà ngành Nông nghiệp đã đạt được trong những năm qua và yêu cầu các doanh nghiệp, HTX có đóng góp lớn trong ngành Nông nghiệp, các cấp, ngành, địa phương cần lắng nghe ý kiến phản ánh, tiếp thu, vận dụng phù hợp để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các HTX, người nông dân dễ dàng tiếp cận nhiều hơn nữa về cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến nhằm đón thời cơ mới của đất nước. Thủ tướng đề nghị Bộ NN và PTNT chủ trì cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030; nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp. Các Bộ: NN và PTNT, Công Thương, các Tập đoàn, Tổng Công ty tiếp tục quan tâm đến việc tìm kiếm mở rộng thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam để người nông dân có thể làm giàu trên đồng ruộng. Ngành Ngân hàng sớm nghiên cứu chính sách kéo dài thời gian cho vay, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người nông dân do tỷ suất lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp rất thấp. Bộ KH và CN tiếp tục áp dụng phát triển KHCN trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm giá thành, chi phí về giao thương nông sản, góp phần nâng cao sức cạnh tranh. Tập trung xây dựng thương hiệu, hoàn thiện các chuỗi liên kết, quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, đồng bộ, áp dụng công nghệ theo hướng hiện đại, tự động. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn, tâm huyết với nông nghiệp. Tiếp tục khuyến khích liên kết “5 nhà”. Các tỉnh, thành phố cần tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quan tâm tổ chức thúc đẩy sản xuất phát triển sản xuất an toàn, hữu cơ để hướng đến nền nông nghiệp sạch, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng./.

Tin, ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com