Trên 3 triệu người khuyết tật được cấp thẻ Bảo hiểm y tế

07:12, 03/12/2019

Hiện có trên 3 triệu người khuyết tật trong số 6,2 triệu người khuyết tật đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Thêm vào đó, phạm vi chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng liên tục được mở rộng. Nếu như năm 2011 chỉ có 33 bệnh và 47 kỹ thuật phục hồi chức năng, thì năm 2016 đã tăng lên 252 kỹ thuật. Tất cả các dịch vụ phục hồi chức năng do Bộ Y tế ban hành đều được chi trả bảo hiểm y tế.

Mạng lưới chăm sóc y tế về phục hồi chức năng đã được củng cố với một bệnh viện phục hồi chức năng thuộc Bộ Y tế, một trung tâm phục hồi chức năng trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, 39/63 tỉnh có bệnh viện phục hồi chức năng; 100% các bệnh viện đa khoa Trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng. Các khoa, tổ phục hồi chức năng ở các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện ngày càng được củng cố. Các bộ, ngành khác có 4 bệnh viện, 16 trung tâm phục hồi chức năng. Hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng được ứng dụng phục vụ người bệnh và người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Sự hỗ trợ về tài chính trong chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật thuộc diện chính sách được thực hiện thông qua chính sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ Bảo hiểm y tế.

Mặc dù chính sách chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật đã có sự thay đổi về chất và lượng rõ rệt, nhưng như ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, cũng như trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người khuyết tật.

Đó là vẫn còn trên 3 triệu người khuyết tật phải tự mua bảo hiểm y tế và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động rất cần đối với người khuyết tật nhưng lại chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Theo Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, tỷ lệ tiếp cận và sử dụng dụng cụ trợ giúp còn thấp, chỉ ở mức 25%.

Khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có 15,14% người khuyết tật gặp khó khăn trong đi bộ. Nếu được sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%. Do đó, nếu đáp ứng được việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật có thể giúp họ tạo ra sự khác biệt lớn về khả năng tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi. Trong tương lai không xa, tỷ lệ khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số với tốc độ nhanh. Bởi vậy, cần thiết phải có nguồn tài chính bền vững chi trả cho việc khám chữa bệnh cho người khuyết tật, nhất là các dụng cụ trợ giúp người khuyết tật./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com