Tích cực diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ đông xuân 2019-2020

04:12, 03/12/2019

Trong tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng, thời tiết ấm, cây trồng đa dạng xen canh, gối vụ cùng với diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều là điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sản, phát triển quần thể nhanh. Mặc dù các địa phương trong tỉnh đã tích cực phát động diệt chuột bằng nhiều biện pháp nhưng nạn chuột phá hoại màu vẫn phức tạp. Trong năm 2019, diện tích lúa bị chuột phá hoại là 962ha, gấp 4 lần so với năm 2018, trong đó diện tích bị thiệt hại nặng gần 100ha.

Để chủ động phòng, chống bảo vệ sản xuất và giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trong vụ đông xuân 2019-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tích cực chỉ đạo và tổ chức diệt chuột; trong đó xác định các đợt cao điểm, nhất là đợt diệt chuột ở đầu vụ. Tổ chức diệt chuột bằng nhiều hình thức, kết hợp nhiều biện pháp (hoá học, sinh học, thủ công), trong đó biện pháp sinh học và thủ công là chủ yếu. Tuyệt đối không dùng thuốc cấm, dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột. Thực hiện diệt chuột đúng kỹ thuật; chú trọng bảo vệ hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và giữ vệ sinh môi trường. Các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phát động nhân dân hưởng ứng chiến dịch ra quân diệt chuột đồng loạt với phương châm “Nhà nhà diệt chuột, người người diệt chuột”. Theo kế hoạch, chiến dịch diệt chuột được phát động và triển khai thực hiện đồng loạt ở tất cả các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các thôn, xóm, tới từng hộ nông dân. Tổ chức diệt chuột đồng loạt trên phạm vi rộng từ cánh đồng đến các bờ mương, bờ máng, ven đê, bờ vùng, bờ thửa, gò, đống, ven đường đi lại; trong khu dân cư, các khu công nghiệp, khu đất trống, các đường làng, ngõ xóm. Trong đó, đợt 1 từ ngày 20-1 đến ngày 15-2-2020 (khi lấy nước đổ ải, làm đất đến khi gieo cấy lúa); đợt 2 từ ngày 25-2 đến ngày 25-3-2020 (sau khi gieo cấy xong đến khi lúa đứng cái phân hóa đòng). Cùng với diệt chuột, phải dọn vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ, bụi rậm, gò đống, ruộng bỏ hoang, khu nghĩa trang để phá nơi cư trú của chuột. Thực hiện gieo cấy tập trung, gọn thời vụ để hạn chế nguồn thức ăn cho chuột có liên tục trên đồng ruộng. Tiếp tục bảo vệ và phát triển đàn mèo; sử dụng bả diệt chuột sinh học biorat; các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính hoặc soi đèn, đào bắt, hun khói… Dùng các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, ít độc hại với môi trường như: Thuốc có hoạt chất Bromadiolone; hoạt chất Brodifacoum và hoạt chất khác./.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com