Bộ trưởng Bộ Nội vụ cam kết sửa quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

05:11, 07/11/2019

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 7-11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thay mặt Chính phủ trả lời những chất vấn liên quan trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.  Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thay mặt Chính phủ trả lời những chất vấn liên quan trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN

Tại phiên chất vấn, các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh các nội dung: Tiến độ thực hiện dự án đưa điện về nông thôn; vấn đề phát triển điện mặt trời; chính sách mới để phát triển năng lượng sạch; hiệu quả của việc sắp xếp lại bộ máy quản lý thị trường; giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới; biện pháp bảo vệ doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước; quản lý các sản phẩm kinh doanh qua mạng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải pháp ngăn chặn tình trạng bán hàng đa cấp biến tướng;...

Trong phiên chất vấn chiều 6-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời chất vấn của nhiều đại biểu liên quan đến việc hoàn thiện khung pháp lý về dán nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, các cơ chế phòng vệ thương mại...

Trả lời chất vấn của các đại biểu về quản lý xuất xứ, chứng nhận xuất xứ của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay chúng ta đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp rất quan trọng liên quan đến vấn đề tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như thực thi trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Cụ thể, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hải quan và các Nghị định hướng dẫn phạm vi quản lý địa bàn hải quan cũng như các hàng hoá nhập khẩu liên quan đến Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Nghị định 43 cũng trong khuôn khổ của Luật này…

Theo Bộ trưởng, Nghị định 71 quy định chi tiết của Luật Quản lý ngoại thương là Nghị định rất quan trọng, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về thương mại quốc tế và cấp giấy chứng nhận xuất xứ (CO) có cơ sở cấp xuất xứ của Việt Nam cho các sản phẩm của chúng ta xuất khẩu đi các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thương mại về thuế quan trong Hiệp định đó. Bộ Công Thương cũng đã có những hướng dẫn và thông tư cụ thể để cụ thể hóa những việc tổ chức triển khai thực hiện cũng như tăng cường kiểm soát việc cấp CO chứng nhận xuất xứ này. Đặc biệt, để chủ động hơn nữa trong bối cảnh mới khi chúng ta đang phải đối mặt nhiều nguy cơ gian lận hàng hóa của các nước ngoài đối với xuất xứ của Việt Nam trong thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 824 ngày 4-7-2019 là Đề án để tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu trong liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư của nước ngoài để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Bộ Công Thương cũng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể về xuất xứ hàng hoá lưu thông trong nước.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu thực trạng tăng trưởng đột biến của một số ngành hàng hiện nay và cho rằng, cử tri có quyền đặt câu hỏi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc mua bán, tàng trữ hàng hóa gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, giả về thương hiệu buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải “rung chuông cảnh báo” cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa? Dư luận cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư làm ăn liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Vi phạm điều này dẫn đến hệ luỵ là Việt Nam sẽ là nạn nhân bị các nước điều tra áp thuế chống phá giá và áp thuế tự vệ, làm thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước hiện nay đang thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì các doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng làm giả thương hiệu, làm giả về xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng.

Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, để thực hiện cơ chế phòng vệ thương mại, hiện đã có danh mục 25 mặt hàng cảnh báo có nguy cơ có gian lận thương mại trong thương mại với Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Việc ngăn chặn các hoạt động gian lận này ngay từ trong các hoạt động đầu tư là rất khó thực hiện để vừa đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo được hiệu quả trong chính sách về xử lý gian lận thương mại. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sự phối hợp và vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng để hướng dẫn cho các địa phương trong giám sát đầu tư thực hiện chuyển tải bất hợp pháp.

Việc lợi dụng gian lận thương mại trong thương mại quốc tế đã có một số trường hợp, nguy cơ còn rất lớn, nguy cơ này đã hiện hữu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án 804 đưa ra hàng loạt các biện pháp khác, cũng như biện pháp phối hợp với các nước đối tác để kiểm soát. “Chúng ta không bị động và đang triển khai quyết liệt”, Bộ trưởng khẳng định.

Thừa nhận đã có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây thực sự là hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái. Chúng ta đang tổ chức đấu tranh rất kiên quyết chống lại những hiện tượng này. Các lực lượng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong đó có cả Quản lý thị trường cũng phải quyết liệt. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cũng thống nhất với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Dự thảo Thông tư Bộ Công Thương đang xây dựng cũng hướng đến mục tiêu này.

Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng 7-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Chiều 7-11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về các vấn đề: Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong quá trình Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Y tế tham gia trả lời chất vấn, giải trình các nội dung liên quan.

Phản ánh vấn đề được nhiều cử tri là công chức, viên chức quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập. Cho rằng yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức, đại biểu lý giải, thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian học  rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất. Thứ hai, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trả lời đại biểu Bộ trưởng Lê Vĩnh Tâm thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ. Theo Bộ trưởng, không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Riêng quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Nhưng vấn đề này không phải chỉ do mỗi Bộ Nội vụ đặt ra. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính được ban hành từ năm 1993. Đến bây giờ là hai mươi mấy năm rồi thì cũng cần phải sửa. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa, khiến thủ tục rườm rà. Bộ trưởng cam kết với Quốc hội, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào.

Về vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính; bài sát hạch bằng tiếng Anh không cần phải có văn bản. Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính quá nhiều mà chúng ta làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp cung cấp văn bằng, chứng chỉ. Về yêu cầu trình độ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, viên chức trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Bộ trưởng cho rằng, tới đây vấn đề này cũng cần phải sửa, nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. Bộ Nội vụ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện quốc tế.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng giáo dục, y tế sẽ càng được nâng lên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, điều này gây khó khăn như thế nào trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục y tế? Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới? Theo đại biểu việc thực hiện chủ trương tự chủ của các đơn vị công lập như hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất cập như: Quyền tự quyết của các đơn vị tự chủ, quyền tuyển dụng lao động, quyết định lương hay các vấn đề sử dụng các tài nguyên của đơn vị, tài sản công, liên kết với các đơn vị khác... Các bất cập này đã được các địa phương, đơn vị nhiều lần đề cập nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta  là khoảng 1,8 triệu người, riêng giáo viên khoảng hơn 1,5 triệu người, chiếm tỷ lệ rất lớn. Phần lớn địa phương phản ánh số giáo viên hiện nay không đủ để đứng lớp, kể cả ngành Y tế cũng không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện. Để giải quyết những vấn đề như các đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị, đã có kết luận và bước đầu giải quyết được 19 tỉnh.

Báo cáo Quốc hội trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã kết hợp với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước hoạt động hiệu lực hiệu quả là mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ đặt ra, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII đã đề ra quan điểm, chủ trương về định hướng, lộ trình, bước đi tổ chức thực hiện rất cụ thể. Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa. Tinh giản biên chế đạt được kết quả khả quan. Khối hành chính Nhà nước, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, sau 2 năm triển khai thực hiện, mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đạt được các mục tiêu đề ra với nhiều lý do khác nhau. Công tác cán bộ rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, là người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ từ tuyển dụng bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo và thực hiện các chính sách cán bộ; từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ; kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. 

Thừa nhận việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xin lắng nghe và tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội./.

Theo chinhphu.vn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com