Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

06:09, 25/09/2019

Ngày 25-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn, đặc biệt là nhiệm vụ chăm lo cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020 nêu rõ: Năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực phối hợp hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mỗi bên. Chính quyền các cấp và Công đoàn cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hăng hái thi đua, lao động sản xuất, nâng cao năng suất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp sức cùng cả nước làm nên những chỉ số kinh tế ấn tượng… Năm 2018, 2019, nhân dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam và gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; thăm, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình Tết Sum vầy… Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách pháp luật có liên quan đến người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo sự đồng bộ với Luật Phá sản doanh nghiệp và Bộ luật Lao động.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động phải đi làm vào giờ hành chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện hiện có về nhân lực, cơ sở vật chất để phối hợp với ngành Bảo hiểm Xã hội thực hiện triển khai khám, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho người bệnh có thẻ Bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của Công đoàn.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Chính phủ, các bộ, ngành trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Thủ tướng cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng cao theo hướng xuất siêu, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét, được quốc tế và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được thực hiện tốt và đem lại kết quả cao; thực hiện tốt chương trình cả nước chung tay vì người nghèo, tăng cường bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt từ đô thị đến vùng cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính cải thiện. Nhiều vụ tham nhũng lớn được thanh tra, xử lý nghiêm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an toàn giao thông giảm ở tất cả các tiêu chí. Vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam.

Khẳng định công nhân, lao động Việt Nam đã luôn nỗ lực, cần cù, làm ra nhiều của cải, tay nghề càng ngày càng được nâng lên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Chính phủ bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi chính đáng cho người lao động; phối hợp với các bộ, ngành giải quyết tốt vấn đề tiền lương, giờ làm việc, bảo hiểm xã hội cho người lao động, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. 

Đặc biệt, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần phối hợp tốt hơn với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến người lao động, nhất là những vướng mắc về thể chế chính sách, giải quyết những bức xúc của người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho công nhân, lao động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bài trừ những thông tin chống phá, sai sự thật... Đặc biệt, Công đoàn phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tìm ra nguyên nhân vướng mắc trong thể chế, pháp luật, từ đó giải quyết theo hướng ưu tiên cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản.

Cho rằng việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là hết sức cần thiết, Thủ tướng yêu cầu Công đoàn các cấp cần cử cán bộ chuyên trách thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nhu cầu của người lao động, không để những việc bất thường xảy ra, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn cần phải tổ chức nhiều cuộc đối thoại để giải quyết bức xúc của nhân dân, người lao động trong các khu công nghiệp công nghệ cao./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com