Chủ động thu hút vốn FDI chất lượng cao

07:09, 03/09/2019

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là lần đầu, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề tạo cơ sở để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc, phù hợp quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Kể từ khi mở cửa thu hút FDI (năm 1988) đến nay, dòng vốn này luôn phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đã có gần 350 tỷ USD vốn FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và 19 trong số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế. Khu vực FDI hiện nay giữ vai trò chủ đạo trong cán cân xuất, nhập khẩu của nước ta, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu, gần 60% kim ngạch nhập khẩu, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, tạo ra hàng triệu việc làm và góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực mới… Vai trò của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm thu hút FDI không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót nảy sinh trong quá trình thực hiện. Đó là các dự án FDI chủ yếu có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ rất thấp; thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Đáng lưu ý, gần đây còn nổi lên một số vấn đề tiêu cực như gia tăng hiện tượng chuyển giá; xuất hiện tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” thông qua một số tổ chức, cá nhân người Việt Nam; hiện tượng vi phạm về bảo vệ môi trường…

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hơn 30 năm thu hút FDI, Nghị quyết số 50 khẳng định: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp. Từ quan điểm chỉ đạo này, Nghị quyết nêu rõ định hướng thu hút FDI trong giai đoạn tới: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Xây dựng danh mục hạn chế thu hút FDI cụ thể, phù hợp cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, Việt Nam sẽ xây dựng chính sách ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam…

Cùng với việc cam kết bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư nhằm bảo đảm việc nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân và hạ tầng phục vụ đi kèm… Như vậy có nghĩa là về phía các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam cũng phải đáp ứng các điều kiện Việt Nam đặt ra, hướng đến mục tiêu chọn lựa các nhà đầu tư làm ăn chân chính, muốn hợp tác để cùng phát triển. Đã đến lúc Việt Nam thực hiện quyền lựa chọn để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, không thu hút bằng mọi giá./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com