Hội thảo cấp quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề pháp lý

07:06, 26/06/2019

 

Chiều 24-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam do Bộ Tư pháp chủ trì. Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học.

 

Với thông điệp “Chung tay xây dựng chính sách, pháp luật trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội thảo nhằm nhận diện những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; xác định nhu cầu và đề xuất các định hướng lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để khai thác những lợi ích, đồng thời ứng phó những mặt trái từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thực tế hàng ngày đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và thay đổi không ngừng. Đặc biệt, khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia cách mạng công nghiệp 4.0 biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành những vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tốc độ thiết kế và thực thi hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật. Có như vậy mới phát huy được năng lực sáng tạo, chủ động của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác trong kinh tế số và xã hội số. Đây chính là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân; ngược lại sẽ là sự cản trở.

Việc thiết kế khung pháp lý, cơ chế và chính sách phải đồng bộ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, với những tư duy mới, phù hợp xu thế tiến bộ của thế giới. Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ góp phần tăng nhanh tốc độ phản ứng chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập trong thi hành pháp luật. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật cũng cần nhanh chóng bắt kịp những xu thế mới của phát triển công nghệ. Một điều quan trọng khác là tư duy làm chính sách, pháp luật trong cách mạng công nghiệp 4.0. Việc xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới… Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với cách mạng công nghiệp 4.0 và kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Bây giờ là thời điểm phải chuyển hóa khát vọng vươn lên và trí tuệ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng cả hệ thống chính trị thành hành động.

Bộ Tư pháp cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cụ thể những vấn đề đặt ra hiện nay cũng như tham mưu các giải pháp để đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm tiến trình xây dựng, thực thi thể chế, pháp luật luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp. Công tác dự báo, phân tích, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hoàn thiện Đề án số hóa quốc gia. Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia; sớm hoàn thiện các hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện và lưu hành ngày càng phổ biến một số đồng tiền kỹ thuật số hoặc ví điện tử để có đề xuất chính sách phù hợp; phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án giáo dục tài chính. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất; phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy thanh toán điện tử./.

Theo chinhphu.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com