Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

07:06, 27/06/2019

Sáng 27-6, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Ðồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị; dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc; tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Khương Thị Mai, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các huyện, thành phố.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg. Chỉ thị của Thủ tướng đánh giá tình hình và chỉ ra các nguyên nhân cơ bản tình trạng của nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua là: Ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm suy giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân do trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao; tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi hạn chế; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, thiếu công khai minh bạch; việc tiếp nhận phản ảnh, góp ý, phê bình, tố cáo của người dân, doanh nghiệp chưa được chú trọng; một số doanh nghiệp, người dân nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Ðể chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện ngay những giải pháp: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tham nhũng...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Thời gian qua, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến rõ rệt, thể chế và quản lý kinh tế - xã hội tiếp tục được hoàn thiện, nhất là việc kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, nhiều vụ việc, nhiều vụ án lớn đưa ra xét xử, đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước. Tuy nhiên công cuộc đổi mới của đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong đó có tệ tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Vì vậy thời gian tới đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt, triển khai, xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng bộ máy hành chính trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính kỷ cương, liêm chính; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com