Tập trung chỉ đạo các biện pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

07:05, 19/05/2019

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 16-5-2019, trên địa bàn tỉnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 212 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố. Tổng số lợn chết, tiêu hủy 150.617 con tại 24.925 hộ chăn nuôi; trong đó, lợn nái 37.973 con, lợn đực 596 con, lợn thịt 44.409 con, lợn choai 26.879 con, lợn con 40.760 con. Tổng trọng lượng tiêu hủy là 7.904.684,9kg. Mặc dù đã được các cấp, các ngành chức năng và người chăn nuôi thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng, chống dịch song dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, trong khi chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Trước tình hình trên, để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, tiến tới sớm khống chế được dịch bệnh, ngày 16-5-2019, UBND tỉnh đã có Công văn số 328/UBND-VP3 gửi UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các biện pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. UBND tỉnh chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng dịch bệnh xảy ra ở tỉnh ta diễn biến phức tạp là: Mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi nhỏ chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; còn hiện tượng người hành nghề thú y chữa trị hoặc người chăn nuôi tự điều trị lợn ốm mà không khai báo ngay với cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương; việc quản lý giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn chưa hiệu quả; công tác tiêu hủy lợn chưa kịp thời, chưa triệt để, không hoàn thành việc tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện lợn bệnh theo quy định; vận chuyển lợn từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện không có lót và phủ bạt dẫn đến phân, chất thải, các loại dịch tiết rơi vãi ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; dụng cụ, quần áo bảo hộ của người tham gia tiêu hủy lợn không đầy đủ, phương tiện vận chuyển lợn đi tiêu hủy chưa thực hiện tốt việc sát trùng; hố tiêu hủy lợn không lót bạt, số lượng vôi rải xuống hố chôn chưa đủ, phun thuốc sát trùng chưa triệt để, chưa lèn chặt đất trên bề mặt hố chôn.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi lợn thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi nhằm nâng cao sức đề kháng; phải đảm bảo đủ thức ăn cho vật nuôi cả về số lượng và chất lượng, cung cấp đủ nước vô trùng cho vật nuôi uống, bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn cho vật nuôi. Hạn chế tối đa người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, nhất là thương lái thu mua lợn; có biện pháp ngăn chặn chim, chuột, chó, mèo, côn trùng xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc diệt ruồi, muỗi. Hàng ngày quét dọn thu gom phân, rác thải để ủ, đốt hoặc chôn; thường xuyên rắc vôi bột ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi, trước cửa chuồng nuôi phải có hố hoặc khay chứa dung dịch thuốc sát trùng hoặc vôi bột để người chăn nuôi sát trùng trước và sau khi vào chuồng nuôi; thực hiện khử trùng, tiêu độc liên tục mỗi ngày 1 lần, phun sương, 1 lít dung dịch đã pha cho 7-10m2, phun ướt đều bề mặt nền, tường, trần, dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh. Yêu cầu lực lượng thú y cơ sở, người hành nghề thú y tự do, người chăn nuôi không tự ý điều trị lợn bệnh mà phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn đến kiểm tra, hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp; quản lý những người mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn; không thu hồi thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi thừa của các hộ có dịch để bán lại cho các hộ chăn nuôi khác làm lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, đúng quy trình tiêu hủy lợn theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh; tiêu hủy nhanh chóng, triệt để lợn chết, lợn mắc bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện lợn bệnh; phương tiện, dụng cụ vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy phải đảm bảo không rơi vãi chất thải, phân lợn, các chất dịch tiết của lợn bệnh ra môi trường. Kiểm tra, xử lý các sự cố hố chôn lợn không đúng quy cách gây ô nhiễm môi trường theo Hướng dẫn ngày 16-4-2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường. Nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi tổ chức tiêu hủy lợn không đúng quy định. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch theo quy định tại Quyết định số 701/QÐ-UBND ngày 3-4-2019 của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND cấp xã, huyện chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi bao gồm: đối tượng, số lượng, trọng lượng lợn, số kinh phí hỗ trợ, thực hiện việc công khai trên phương tiện thông tin cấp xã và niêm yết danh sách các hộ chăn nuôi được hỗ trợ tại trụ sở UBND xã, các nhà văn hóa thôn, nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn, xóm./.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com